- Nhưng… nhưng… thưa bác…
- Không thưa gửi gì hết ! Đưa số điện thoại của bố mẹ cậu đây, chuyện này phải người lớn trao đổi mới được.
Ối mẹ ơi, Hoành Tá Tràng vã mồ hôi, còn tôi thì thót cả tim. Định để hiểu nhầm tí để dọa hắn ta, không ngờ mẹ tôi cao thủ quá, đành phải hạ màn thôi. Tôi cuống cuồng chặn mẹ tôi lại.
- Mẹ… mẹ… hiểu nhầm rồi !
Mẹ tôi sựng lại nhìn tôi.
- Nhầm gì mà nhầm, mày ngồi im đi để mẹ giải quyết.
Công nhận, đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng mẹ tôi và tôi rất giống nhau ở thói quen cầm đèn chạy trước ô tô. Tôi đành phải tìm cách hạ hỏa cho mẹ tôi, và kéo bà ngồi xuống. Bà ngơ ngác nhìn tôi, đương nhiên, câu chuyện xảy ra ở ngoài đường đã được tái hiện lại thông qua người kể chuyện tài năng là tôi. Tôi không quên nhét vào đó những uất ức khi phải đi cấp cứu trên cái xe kỳ cục đó. Hoành Tá Tràng mặt như giãn ra, còn mẹ tôi thì luống cuống xin lỗi hắn.
Thế là xong ! . Từ chỗ mắng như tát nước vào mặt Hoành Tá Tràng mẹ tôi đã quay sang bắt tay, bắt chân, mời trà rót nước rồi đon đả tiễn anh ta ra tận cổng. Tôi vừa nhìn mẹ, vừa cảm thấy thán phục sự thay đổi thái độ và tâm trạng của mẹ tôi trong từng khoảnh khắc, công nhận, người đời nói cấm có sai. “Hổ phụ sinh hổ tử “ ( Trong trường hợp này là Hổ mẫu mới đúng). Hoành Tá Tràng ra về mang theo trọng trách là phải đưa đón tôi đi làm đến lúc tôi khỏi chân mới thôi. Hắn ta gật đầu lia lịa trước yêu cầu của mẹ tôi, tôi phục mẹ sát đất, ăn vạ thế mới đáng nể chứ. Ha ha, thế là xong, tạm thời trong cả tháng tới tôi chẳng việc gì phải xô đẩy trên xe bus, và cũng chẳng tội gì phải mua một cái xe máy mới, còn nữa, tôi sẽ hành hạ Hoành Tá Tràng cho bõ ghét. Mẹ thật là tuyệt vời, mẹ “năm bờ oăn” !. Tôi chưa kịp ngậm cái miệng đang ngoác ra cười sung sướng thì mẹ tôi vào, lúc này bà mới liếc chân tôi.
- Thế nào ? Có đau lắm không con ?
- Ơ, con cứ tưởng anh ta mới là con mẹ chứ, mẹ chăm sóc anh ta ghê thế kia mà.
- Vớ vẩn. Mày không cảm ơn mẹ mày thì thôi, lại còn mát mẻ.
- Sao con lại phải cơm ơn mẹ !
- Ơ hay, không phải mẹ vừa ăn vạ để tạo điều kiện cho hai đứa mày có nhiều thời gian bên nhau à ? Mẹ thấy thằng bé này đẹp trai, dễ thương đấy. Tóm lại, nó là một con cá to , cố mà bắt con ạ.
Ối ! Trời trên cao, đất dưới chân ơi ! Tôi suýt lăn đùng ngã ngửa khi nghe mẹ tôi nói. Mẹ ơi là mẹ, con gái mẹ mặt đẹp, dáng chuẩn thế này ( dù chân có hơi ngắn) mà mẹ lại bày kế ăn vạ hèn như thế sao ?. Mẹ đánh giá con quá thấp, hơn nữa, Hoành Tá Tràng không phải là kiểu người mà con thích, không bao giờ. Tôi dậm chân xuống sàn nhà, rồi kêu oai oái lên vì đau. Mẹ tôi xách tôi lên gác, miệng không ngừng dặn dò ngày mai nó đến đón thì phải thế này thế nọ, mặc cho tôi ra sức phản đối, mẹ tôi nói một câu chắc nịch.
- Không nói nhiều ! ý mẹ đã quyết !
Mẹ ơi là mẹ, lấy chồng cho con chứ có phải lấy chồng cho mẹ đâu ? Mẹ tha cho con. Nhưng mẹ tôi chả thèm nói gì, bà đi ra và đóng sập cửa lại. Thế là toi, biết thế mình không cho lão Hoành Tá Tràng dắt mình về làm gì, “ Cuộc đời thật lắm gian nan, người tốt thì ít kẻ gian thì nhiều”. Trong trường hợp này, chẳng biết ai tốt ai gian nữa.
Tôi nằm bẹp xuống giường, cái chân bây giờ mới thực sự đau, chỗ vết khâu như căng lên, tưng tức. Trời ạ, thân làm tội đời, biết thế lúc chiều tôi gào to hơn, đấm đá Hoành Tá Tràng cật lực để anh ta thả tôi xuống trước khi đuổi cướp thì đâu đến nỗi. ( À, mặc dù vậy tôi vẫn thấy rất tự hào vì mình được mọi người khen là dũng cảm, mặc dù tôi chẳng qua chỉ là đứa ăn theo). Tôi vừa xoa chân, vừa không ngừng nguyền rủa Hoành Tá Tràng.
Tôi vớ điện thoại, định xỉ vả cho anh ta thêm một trận nữa, nhưng phát hiện ra, mình có tám cuộc gọi nhỡ từ Lãng Tử. Thế là tôi lại nhấc điện thoại lên, đặt điện thoại xuống băn khoăn xem có nên gọi lại cho Lãng Tử hay không. Mà thôi, người ta gọi cho mình tám cuộc, thì mình cũng nên gọi cho họ một cuộc cho lịch sự chứ. Tôi bấm máy gọi Lãng Tử, ngay lập tức đã nghe tiếng Lãng Tử hỏi dồn.
- Phương à ? Em sao thế ? Sao anh gọi cho em mãi không được ?
- Em để điện thoại trong túi nên không biết. Có chuyện gì không anh ?
- Anh phải đi Sài Gòn công tác đột xuất, lúc nãy gọi để gặp em trước khi đi, mà gọi mãi chẳng được.
- Ô ! Thế là được đi Sài Gòn à ? Sướng thế, đã đi chưa ? ( Vô duyên không chịu được)
- Anh vào đến nơi rồi ! Lần sau em đừng để điện thoại trong túi nữa nhé, anh gọi không được nên sốt ruột quá !
- À, thực ra bình thường em hay để ở túi quần, nhưng hôm nay bị ngã…
- Sao, em ngã á ? Có làm sao không ?
- À, khâu có năm mũi ở chân ý mà, hơi đau một tẹo, nhưng chẳng sao.
- Cái gì, tận năm mũi mà bảo là không sao à ? Giờ em đang ở đâu ?
- Em về nhà rồi, chăn ấm nệm êm rồi…
Đấy, cuộc đối thoại của tôi và Lãng Tử sẽ dài dằng dặc nữa nếu như tôi không nhớ ra rằng mình là đứa gọi điện. Tôi hốt hoảng lấy cớ đang buồn ngủ để cúp máy, và vội vàng kiểm tra tài khoản ( đúng là đồ ky bo) . Phù, may quá, may mà cắt kịp thời không thì con cà con kê mãi thì chết.
Tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ, lòng cảm thấy ấm áp khi nhớ lại những lời hỏi thăm của Lãng Tử. Từ bé đến giờ, chưa có người con trai nào nói với tôi nhẹ nhàng và “tử tế” như thế, tôi cảm thấy như tim mình đang có một cơn dư chấn nhẹ, mặc dù, đến tận lúc này tôi vẫn chưa tìm ra nguyên do nào khiến Lãng Tử lại thay đổi nhanh đến thế. Tóm lại, vẫn rối rắm và chẳng tội gì phải nghĩ thêm nữa, trong lúc chân đang đau, người đang mệt thế này thì đi ngủ là thượng sách.
lên.
- Xuống ngay ! Cô có biết mấy giờ rồi không hả ?
Các bạn biết là ai rồi đấy, thế là tan tành một giấc mơ hoa, tan ba đời liễu. ( Tiện mồm thì than thế cho nó vần, chứ chẳng ý nghĩa gì đâu )
Tôi nhìn đồng hồ và phốc ngay xuống giường, ối mẹ ơi. Sau một đêm ngủ dậy tôi đã quên béng cái chân đau của mình, giờ thì khi nó chạm đất, nó khiến tôi thấm thía thế nào là đau. Định ngoác cái mồm ra khóc, nhưng sực nhớ ra nếu mình không nhanh chân lên thì sẽ phải nhìn cái bản mặt dài như cái bơm của sếp Tam Mao. Vì thế, thôi thì cố gắng lết đi sửa soạn, nếu không muốn nhìn cái mặt bầm như quả nho của sếp Tam Mao và những cái lườm sắc nhọn của các mụ mái già.
Tôi lê lết thân tàn xuống nhà, và xỏ chân vào đôi dép xỏ ngón. Trời ạ, chân với chả cẳng, đi dép xỏ ngón còn đau, chẳng lẽ đi chân đất ?. Càng đau, tôi càng tức lão Hoành Tá Tràng, đã thế nhá, bà sẽ hành cho biết mặt. Hoành Tá Tràng đứng chờ tôi trước cổng với khuôn mặt sưng sỉa không kém. Nhìn thấy cái bản mặt của tôi, anh ta đã vội vàng xỉa xói.
- Biết ngay mà, con gái con lứa, chỉ có ăn với ngủ !
- Thế con trai thì không cần ăn với ngủ chắc ?
- Vớ vẩn, cãi cùn ! Lên nhanh cho tôi còn đi làm.
- Nhanh cái con khỉ… đau muốn chết đây.
Lúc này, Hoành Tá Tràng mới nhìn xuống chân tôi, mặt anh ta cũng có đôi phần như đang chia sẻ. (Gớm, lúc đó mà còn ngoác mồm ra cười thì tôi đấm cho vênh mõm ấy chứ.). Hắn le te dựng xe chạy đến dìu tôi, giọng có phần chùng xuống.
- Có đau lắm không ?
- Anh thử bị khâu năm mũi như tôi xem có đau không mà cứ hỏi.
Hoành Tá Tràng cun cút dìu tôi ra xe mà không dám cãi lại. Khà khà, xem chừng hắn cũng có tí chút lương tâm. Khi tôi ngồi yên trên xe, hắn đưa cho tôi gói xôi.
- Đây, ăn đi, tôi biết ngay là cô chưa ăn sáng mà.
- Không, tôi thích ăn phở cơ !
- Điên à ? Cô biết bây giờ là mấy giờ rồi không ? Chờ được cô ăn xong bát phở thì đến giờ nghỉ trưa.
- Ý anh là giờ tôi phải vừa ngồi trên xe, vừa nhồm nhoàm ăn xôi à ?
- Sao nữa, không muốn ăn à ? Hay là muốn rảnh tay để ôm tôi ?
Tôi thề, nếu chân tôi không đau thì kiểu gì tôi cũng song phi cho hắn một cái. Thật đáng hận, vì cái chân đau mà tôi trở nên hiền thục thế này đây. Tuy không song phi được hắn, nhưng tôi vẫn không thể không gằm ghè.
- Tôi không bị thần kinh đâu nhé. Tôi duyên dáng thế này mà vừa đi vừa nhồm nhoàm nhai thì có phải mất mặt không ?
- Ô ! nhìn lại mình đi, như cô mà gọi là duyên à ?
Máu trào lên não, tôi uất đến nỗi muốn ném thẳng nắm xôi vào mặt anh ta. Nhưng, tội gì, xôi nhìn cũng ngon, ném đi lại phí, với lại tôi đã ăn gì đâu.
- Đồ tiểu nhân ! anh ghen với sự duyên dáng của tôi hử ?
Hoành Tá Tràng cười tủm tỉm rồ ga vút đi. Tôi cầm nắm xôi và không kiềm chế nổi, tôi bốc ăn ngon lành. Dù sao, việc quái gì phải xấu hổ, có ai biết tôi là ai đâu. Tôi đến được Hoành Tá Tràng dìu lên tận phòng làm việc ( Nói thật, thiếu chút nữa thì anh ta cõng tôi, may mà tôi kiên định ), anh ta lườm tôi cháy cả mặt rồi nói.
- Bao giờ về thì gọi cho tôi.
Anh ta lao ra ngoài trước sự ngơ ngác của đám mái già công ty tôi. Và, lại thêm một cơn bão dư luận nữa càn quét công ty cả ngày hôm đó. Tôi chẳng thấy phiền, tôi luôn là trung tâm của mọi cơn bão, giờ thêm một cơn nữa thì cũng chỉ là như muối bỏ bể mà thôi, trừ phi nó là lốc xoáy thì may ra nó mới khiến tôi lung lay chút ít. Sếp Tam Mao nhìn đi nhìn lại cái chân đau của tôi và phán.
- Vẫn còn nhẹ chán, thế này chẳng phải nghỉ làm buổi nào đâu nhỉ ?
Sếp ơi là sếp, đã ai dám xin nghỉ ngày nào đâu mà sếp cứ phải rào trước đón sau. Sếp không những xấu người mà còn xấu tính nữa, sếp ạ.
Giờ ăn trưa, tôi ngậm ngùi ngồi gặm bánh quy một mình. Tôi thầm trách mẹ tôi, sao hôm qua không ăn vạ thêm tí nữa, bắt Hoành Tá Tràng buổi trưa phải mang cơm đến cho tôi nhỉ ? . Dù sao, cũng đã mang tiếng là ăn vạ rồi, có thêm một tí mưu hèn vào nữa thì cũng có vấy bẩn gì đâu. Nói thì nói thế, nhưng thực ra tôi nghĩ, không nên bóc lột người ta như thế, bởi người đời thường có câu “ Con giun xéo lắm cũng quằn”. Nếu anh ta mà “quằn” thật thì lấy ai đưa đón tôi đi làm mỗi ngày ?. Thôi, tốt nhất là cứ hài lòng với những gì mình có, không phải người ta vẫn thường nói thế hay sao ?
Tôi vừa nuốt miếng bánh kia vào cổ, chợt có tiếng gọi.
- Phương !
Tôi ngoái đầu lại, ôi, Lãng Tử, anh ấy ôm hộp bánh Pizza đi vào. Tôi dụi mắt lia lịa, cứ tưởng mình dạo này cận nặng quá. Ô hay, tối qua Lãng Tử mới vào Sài Gòn mà sao giờ lại có mặt ở đây được nhỉ ? . Lãng Tử vẫn giữ nguyên nụ cười quyến rũ tiến đến gần tôi. Anh ấy đặt vội hộp thức ăn lên bàn rồi ngồi thụp xuống nhìn chân tôi, tôi vội vàng co chân lại.
- Làm cái gì đấy ?
Lãng Tử giật mình nhìn lên, tôi thấy mặt anh đỏ như hai quả nhót.
- Ơ, anh xin lỗi. Em có đau không ?
- Đau ! Mà sao anh ở đây, tưởng anh ở Sài Gòn mà ?
- Ờ, anh vừa từ sân bay về, em ăn đi, anh mua pizza đấy.
Tôi vớ lấy hộp bánh pizza, nói thật, từ bé tới giờ tôi chả thích mấy cái đồ ăn Tây rồi Âu kiểu này tí nào cả. Nhưng trong lúc bụng đang réo, mà Lãng Tử đang hết sức chân thành nên tôi chẳng có lý do gì để từ chối cả. Tôi vừa bốc bánh ăn vừa nói.
- Sướng nhỉ ? Đi Sài Gòn như đi chợ !
- Cả đêm qua anh sốt ruột quá không ngủ được nên lúc nãy tranh thủ ra sân bay bay về đây luôn.
- Cái gì ? Chỉ vì thế mà anh bay từ trong đấy ra hả ?
- Ừ ! …
Tôi đang sốc ! Ai cho tôi vịn tay đứng dậy với ! Lãng Tử ơi là Lãng Tử, anh đẹp trai mà anh chẳng thông minh tí nào. Tại sao lại phải bỏ một đống tiền vé máy bay để bay ra đây chỉ vì sốt ruột chứ. Thật không hiểu nổi mấy vị nhà giàu ném tiền qua cửa sổ như thế ( Mà đây là cửa sổ máy bay hẳn hoi đấy). Anh ấy thì sốt ruột còn tôi thì tiếc tiền đến đứt cả ruột ( Mặc dù, đó chẳng phải là tiền của tôi, ô, nhưng nếu đó là tiền của tôi thật thì tôi đã lăn ra chết vì tiếc từ lâu rồi) . Lãng Tử như nhìn thấy cái sự sốc của tôi, nên chuyển hướng câu chuyện.