Hai người cách nhau rất gần, sau khi chịu đựng cảm giác có lỗi đè nặng trong tim, Khanh Khanh chỉ biết đáp lại bằng sự im lặng. Cô đứng sang bên cạnh, nhường vị trí vốn không thuộc về mình. Gót chân không cẩn thận mắc vào đường dành cho người đi bộ, hụt một cái, ngửa người ngã ra sau.
Ngã không đau lắm, tay vẫn còn chống xuống đất. Cô ngẩng mặt lên, đúng lúc ấy Phí Duật Minh rụt tay lại. Anh ta vốn định đỡ cô, có điều quá muộn, sượt qua mép áo, tay áo rồi lướt qua ngón tay.
"Tôi không sao", Khanh Khanh chống tay cố gắng đứng dậy. Phí Duật Minh không nói gì, chần chừ một lúc rồi quay về xe.
Chiếc xe ô tô màu đen phóng đi với tốc độ nhanh nhất, ống khói thải ra luồng khói đen sì, cuốn theo một lớp bụi trước mắt Khanh Khanh. Cô đứng đó một lúc rất lâu, không biết nên đi đâu, bước tiếp theo phải làm gì. Cô quay người, đang định đi vào trường thì đột nhiên sau lưng vang lên giọng nói của Mục Tuần.
"Thất Thất!".
Nhìn thấy Mục Tuần dắt xe máy đi từ con đường đối diện tới, Khanh Khanh giật nảy mình.
"Anh út, sao anh lại đến đây?".
"Anh hỏi em, người đàn ông lúc nãy là ai?". Mục Tuần dựng chân chống xe, phủi bụi dính trên tay áo Khanh Khanh, "Anh ta làm gì em?"
"Đâu có, em không sao". Chiếc xe đã đi xa, Khanh Khanh thấy toàn thân mềm nhũn, "Không có chuyện gì đâu, anh hiểu lầm rồi. Đó là phụ huynh học sinh, đến nói chút chuyện thôi mà, là em không cẩn thận nên mới bị ngã".
"Thật không?". Mục Tuần cao giọng nói còn Khanh Khanh thì hạ giọng: "Không có gì thật mà, không sao. Anh đến đây làm gì?".
"Em có chuyện sao không nói rõ trong điện thoại, rốt cuộc là chuyện gì?". Mục Tuần kéo tay Khanh Khanh rồi kiểm tra lại một hồi, thấy cô không bị thương mới buông tay ra, "Em muốn hỏi gì thì hỏi anh đây này, sao phải tìm bà nội bằng được?".
Khanh Khanh che miệng kìm nén cơn hắt hơi đang dâng lên, đầu óc rối tinh lên như bị nhét đầy bông vậy, nhưng vẫn ôm chút hy vọng hỏi Mục Tuần: "Em bị thủy đậu bao giờ chưa, anh có biết không?".
"Cái này... anh không biết. Sao lại hỏi thế?" Mục Tuần cởi áo khoác khoác lên người Khanh Khanh, "Nhìn xem lần này em bị cảm nặng như thế nào, bảo em ngày hôm nay đừng đến trường, ở nhà nghỉ ngơi thì em không nghe. Xin nghỉ đi, về nhà với anh".
"Không cần đâu...".
"Không được, đã như thế này rồi còn lên lớp cái gì nữa!". Mục Tuần cốc đầu Khanh Khanh, đang định nói lý lẽ thì Khanh Khanh ra hiệu bảo anh đừng nói tiếp nữa. Cô cúi đầu, nhẹ nhàng nói: "Không cần xin nghỉ nữa, em xin nghỉ rồi, nhà trường không cho em đi làm".
"Thế thì tốt".
Mục Tuần cùng Khanh Khanh vào lớp lấy đồ, đi đến cửa thì gặp Nọa Mễ. Khanh Khanh dặn dò đủ thứ, hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Cuối cùng Nọa Mễ không thể nghe tiếp được nữa, ôm vai Khanh Khanh thúc giục: "Mau về nhà đi, đừng nghĩ đến chuyện ở trường nữa. Trước tiên phải chữa cho khỏi bệnh đã, không sao đâu, em có thể xoay xở được mà".
"Thế thì phiền em rồi", Mục Tuần xách túi xách cho Khanh Khanh rồi tạm biệt Nọa Mễ.
Trên đường về nhà, Khanh Khanh ngồi sau xe máy, đầu đội mũ bảo hiểm, hai tay ôm eo Mục Tuần, buồn rầu hỏi: "Anh út, em bị thủy đậu chưa?".
"Anh không nhớ nữa. Mặc kệ nó đi, về nhà rồi tính".
"Có phải là em bị thủy đậu không?".
"Không đâu, không đâu!".
"Vì sao đầu gối của anh chảy máu?".
"À... không sao, lúc nãy đâm vào xe ba bánh bán rau".
"Có nghiêm trọng không?".
"Không sao, anh đền cho người bán rau rồi đi luôn".
"Sau này anh phải đi cẩn thận đấy".
"Biết rồi, đừng nói nữa, mệt thì nằm ngủ một chút".
Khanh Khanh nghĩ đến Tiểu Hổ, đội mũ bảo hiểm gục đầu trên lưng Mục Tuần. Cô rất mệt, tâm trạng không vui nhưng lại không có cách giải tỏa hợp lý nên bệnh càng nặng thêm. Về đến nhà đo nhiệt độ, cô đã sốt đến 390, bị nhốt trong phòng cấm đi ra ngoài. Thím Trương đun mấy bát nước gừng cho cô uống để ra mồ hôi, nhưng cô vẫn chưa hạ sốt. Ông bà nội vừa về đến nhà, biết cô cháu gái yêu quý đi làm được nửa ngày thì đổ bệnh, vội vàng chạy lên tầng xem thế nào.
Khanh Khanh từ nhỏ đã rất khỏe, rất ít khi bị ốm, nhưng nếu ốm là ốm rất nặng.
Cô sốt cao nằm trên giường, xung quanh nốt mụn nước duy nhất trên mặt nổi thêm ba bốn nốt đỏ như hạt gạo, giống như lên sởi, cũng giống như thủy đậu.
"Làm thế nào bây giờ? Bị thủy đậu rồi".
Bà nội lo lắng túm lấy tay áo của ông nội. Thím Trương lật áo ngủ lên kiểm tra, trên cổ, ngực cũng có. Khanh Khanh vốn đã không có tinh thần, nghe thấy tin mình bị thủy đậu càng không còn gì để nói. Cô đắp túi chườm lạnh, lúc không ngủ thì nhìn chằm chằm lên trần nhà, thậm chí quên cả chớp mắt.
Bố mẹ Khanh Khanh sau khi đi làm về cũng được gọi tới. Bố ân cần hỏi han, còn mẹ thì vừa than phiền vừa day trán cho cô. Hiếm khi thấy cô bị ốm, cả nhà đều cuống cả lên. Tối hôm ấy mọi người ăn cơm dưới nhà, Khanh Khanh ở trong phòng, vẫn chưa hạ sốt, những nốt mụn trên người cũng không thể đếm xuể. Bác ba làm bác sĩ cũng được gọi về nhà chẩn trị, trực tiếp truyền nước cho cô.
Mục Tuần thấy bố đi xuống, chạy lại hỏi bệnh tình của Khanh Khanh: "Bố, có nghiêm trọng không?".
"Cứ theo dõi đã, hy vọng sốt hai ngày là hạ, nếu không thì sẽ phiền phức. Người lớn bị thủy đậu nghiêm trọng hơn trẻ con. Ông bà đâu?".
"Đang ở trong phòng khách nói chuyện với chú thím ạ".
"Con lên trên nói chuyện với Thất Thất đi, có chuyện gì thì gọi bố".
"Vâng".
Nhìn bố đi xuống dưới, Mục Tuần ba chân bốn
cẳng chạy lên tầng. Thím Trương đang ở trong phòng chăm sóc Khanh Khanh. Thím đang băng bó tay cho cô. Khanh Khanh sốt cao đến nỗi trông mặt cô giống như quả đào chín nhũn, quanh mép là những nốt mụn nước dày đặc, không còn dáng vẻ tinh nghịch đáng yêu như trước nữa.
"Thím Trương, thím làm gì vậy?". Mục Tuần không hiểu.
"Sợ con bé gãi lung tung, nếu những nốt này vỡ ra thì sẽ để lại sẹo. Con gái không được để lại sẹo, như thế sẽ rất xấu, sau này làm sao lấy chồng được!". Khanh Khanh vừa ốm, nụ cười cũng ít dần trên khuôn mặt của thím Trương.
"Nó bao nhiêu tuổi rồi mà thím còn lo những chuyện ấy".
"Bao nhiêu tuổi cũng phải lo, các con vẫn là những đứa trẻ!". Thím Trương chỉ tay vào đầu gối của Mục Tuần khiến anh ngượng ngùng gãi đầu.
Mục Tuần ngồi bên mép giường, giúp thím Trương băng từng ngón tay của Khanh Khanh, những chỗ có móng tay băng rất cẩn thận. Khanh Khanh đang chau mày, không biết là mơ thấy gì, mơ mơ hồ hồ hét lên hai tiếng "hổ", "sách".
"Thím Trương, lúc nhỏ con bị thủy đậu cũng thế này ạ?" Mục Tuần lấy khăn mặt lau mồ hôi cho Khanh Khanh rồi lại ngồi xuống ghế nói chuyện với thím Trương.
"Con á, gãi vỡ hết, mẹ con băng tay cho con là con khóc. Về sau thím con đã băng cho con. Nhưng con vẫn gãi, nhìn mũi con xem, vẫn còn sẹo đấy!". Thím Trương chỉ tay vào cái mũi cao của Mục Tuần, vết sẹo nhỏ duy nhất đã mờ đi theo năm tháng. Thoáng một cái bọn trẻ đã lớn cả rồi, mấy đứa lớn đã lập gia đình, đứa thì ra nước ngoài. Thím Trương thương nhất là hai đứa út. Mục Tuần hiểu chuyện, Khanh Khanh thẳng thắn, chúng đều là những đứa trẻ ngoan. Tuy bây giờ đều đã lớn nhưng trong mắt thím vẫn là những đứa trẻ đáng yêu.
Băng bó xong, Mục Tuần nói muốn ở lại trông Khanh Khanh. Thím Trương không nói gì, xoa đầu Mục Tuần rồi xuống nhà sắc thuốc.
Chương 3: Ảo giác, chú và cô giáo
"Anh út, em xấu xí lắm đúng không?".
Đây là câu hỏi đầu tiên mà Khanh Khanh thường hỏi sau khi tỉnh dậy. Mục Tuần không đáp lại, cất tất cả gương trong phòng Khanh Khanh đi.
Phòng Mục Tuần ở cạnh phòng của Khanh Khanh, tiện cho việc chăm sóc cô. Ban ngày anh thường sang xem bệnh tình của cô đã khá hơn chưa. Khanh Khanh ngủ rất nhiều, vừa tiếp nước vừa ngủ, tỉnh được một lúc rồi lại lờ đờ. Trừ những lúc đặc biệt tỉnh táo nói một hai câu, phần lớn thời gian đều im lặng. Hai hôm sau vẫn sốt cao không hạ, người cũng gầy rộc đi.
Bác ba không chỉ tiêm cho cô mà còn kê thêm rất nhiều thuốc. Khanh Khanh vùng vẫy trong ranh giới giữa thuốc bắc và thuốc tây, suốt ngày nằm lì trong phòng nghỉ ngơi, không đi xuống dưới nhà, thậm chí không đến bên cửa sổ ngắm cảnh, bị từng đợt từng đợt thủy đậu dày vò, vì chuyện uống thuốc bắc đã lặng lẽ rớt nước mắt khi được bà nội ôm vào lòng.
Thím Trương rất thương cô. Thím và mẹ thay phiên nhau chấm thuốc thủy đậu cho cô. Khuôn mặt tròn xoe của Khanh Khanh giờ biến thành mặt trái xoan. Trên khuôn mặt là những vết tích mà thủy đậu để lại, hai lúm đồng tiền cũng không thấy đâu.
Mục Tuần thấy cô buồn buồn, thỉnh thoảng nhân lúc bôi thuốc lại chọc cô: "Để xem sau này ai lấy em. Không ai thèm đâu!". Nhưng đến lúc Khanh Khanh ngứa đến nỗi không thể chịu được chỉ muốn gãi thì anh lại là người đầu tiên kéo tay cô ra, làm tròn chức trách của một người anh.
Đến ngày thứ năm, cuối cùng thì Khanh Khanh đã hạ sốt. Những nốt thủy đậu đầu tiên đóng vảy. Mục Tuần thức đêm nhiều đến nỗi hai mắt thâm quầng, một số công việc phải tạm gác lại nhưng ban ngày vẫn kiên trì bầu bạn với Khanh Khanh.
"May mà Tiểu Tuần đã bị thủy đậu rồi", bà nội an ủi cháu trai, tự mình bưng nước thanh nhiệt giải khát cho cháu uống. Ông nội đi ngang qua, vỗ bờ vai rộng lớn của cháu trai, hết lời khen ngợi: "Tiểu Tuần thật ngoan".
Buổi tối Mục Tuần xuống nhà ăn cơm, gặp thím Trương ở cầu thang.
"Sao lại thế này?", thím Trương nhìn thấy vết xước trên mặt Mục Tuần, giật nảy mình.
"Không sao, thím cứ kệ con".
"Lại cãi nhau với Thất Thất à?".
"Làm gì có chuyện ấy, do con sơ ý mà".
Mục Tuần không nói gì nữa, sau khi về phòng mới chạy ra soi gương. Buổi chiều Khanh Khanh tỉnh dậy nói chuyện, nhắc đến thủy đậu không hiểu vì sao lại nổi nóng, hai anh em cãi nhau, còn động chân động tay. Dĩ nhiên là Mục Tuần không tránh khỏi thương tích, vết cào xước trên mặt chính là chứng cứ. Khanh Khanh ở trường mầm non dịu dàng, ôn hòa là thế nhưng ở nhà thì rất bướng bỉnh. Nói đến chuyện không vui là hai người lại cãi nhau, rất dễ gây chuyện nhưng cũng nhanh chóng giảng hòa, hơn hai mươi năm nay lúc nào cũng vậy. Mục Tuần quả thực cũng có đôi chút tức giận, nghĩ rằng cô vô duyên vô cớ gây chuyện, nhưng nếu bảo anh khoanh tay mặc kệ thì anh lại không nỡ. Anh và Khanh Khanh thuộc kiểu anh em khắc chế lẫn nhau. Thời gian Khanh Khanh chiếm thế thượng phong nhiều hơn một chút. Mục Tuần là trai chưa vợ, cũng khá nóng tính nhưng nhường em gái, rất ít khi giận thật.
Ăn cơm xong, cả hai đều đã bình tĩnh, cũng nghĩ thoáng hơn. Hai người ngồi trong phòng nói chuyện với nhau, không khí không còn căng thẳng như lúc trước nữa, người này hỏi người kia đáp, thái độ rất ôn hòa. Khanh Khanh đã đỡ sốt, có điều tình hình thủy đậu thì không lạc quan chút nào. Khắp người là sẹo thủy đậu, vẫn yếu ớt nằm trên giường. Họ nói chuyện một hồi, lại nhắc đến chuyện cãi nhau.
"Anh út, mang gương ra cho em soi đi, xấu lắm đúng không?".
"Không xấu, xinh là đằng khác. Ngủ đi, tỉnh dậy anh cho em xem một thứ rất thú vị".