Sinh năm 1972, tên thật của An Ni Bảo Bối là Lệ Tiệp. Nhà văn tự do, từng làm các nghề quảng cáo, biên tập, giao dịch tài chính... Năm 1998, bắt đầu sáng tác truyện trên Internet, là nhà văn Trung Quốc hàng đầu của văn học trên mạng. Tất cả tác phẩm của chị như Đảo Tường Vy; Hoa bên bờ; Cuối tháng 8; Giã biệt Vi An; Phút giây trống rỗng; Thất Nguyệt và An Sinh; Chuyện hai ba; Hoa sen... đều lọt vào danh sách những cuốn sách ăn khách nhất Trung Quốc, phát hành rộng rãi ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Đức... tác động sâu sắc tới đông đảo độc giả. Truyện của chị thường mô tả đời sống nội tâm thầm kín, những số phận éo le, những con người lang thang, phiêu bạt trong thành phố công nghiệp và hiện đại hoá, tìm kiếm cái tôi trong tình yêu và ảo giác...
Những khía cạnh đó phần nào được Lệ Tiệp gửi gắm trong tác phẩm "Hoa bên bờ" này. Câu chuyện tình yêu, số phận, cuộc đời con người với những uẩn khúc khó diễn tả. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy cho mình những phút giây thanh thản của cõi lòng.
Lời tác giả
Những lúc rỗi rãi, tôi thường đến hiệu sách. Cũng tại đây, đôi khi tôi nghe thấy người ta nhắc đến tên tôi. Họ đang tìm sách của tôi.
Đứng ngay bên cạnh anh. Rất gần. Nhìn thấy khuôn mặt và những cảm xúc trên đó, ngửi thấy mùi của anh. Người con gái viết sách đã đứng bên cạnh. Khoảng cách giữa hai người chỉ là 10cm. Đó là một cô gái mặc chiếc quần bò cũ, tóc tai rối bời, không son phấn. Nhưng anh vẫn không hay biết. Cảm giác đó khiến tôi mê mẩn. Tôi đang trong bóng tối. Anh ở ngoài sáng. Giữa chúng tôi có một bầu tâm sự thầm kín.
Rồi tôi viết cuốn tiểu thuyết dài hơi đầu tiên ở Thượng Hải. Còn nhớ chủ đề liên quan đến một cuộc tâm tình. Hình như trong một chuyến lữ hành, trên máy bay, trên tàu thuỷ hoặc với bạn đồng hành trong cùng một phòng trọ. Biết được thời gian chỉ nhiều nhặn như thế, sau khi chia tay có lẽ sẽ không gặp nhau. Thế là lại tâm tình trong bóng tối.
Tháo chiếc mặt nạ. Mở rộng tấm lòng.
Có vậy, cuộc tâm sự mới có thể bắt đầu.
Mỗi ngày sáng tác mười tiếng đồng hồ. Cũng có khi chỉ năm tiếng. Viết từ đêm tới mờ sáng. Rồi áp mình lên cửa sổ hút thuốc, nhìn bầu trời xanh thẳm mênh mông. Có người nói: Thời gian ban ngày luôn có hạn, chỉ có bóng đêm là rộng rãi vô bờ. Vô số đêm tối của tôi là cứ viết lách trong căn phòng trống trơn. Không biết những người khác đang làm gì. Nhưng tôi tin rằng luôn có một số người cũng thức như tôi. Không tài nào ngủ được.
Tôi luôn đòi hỏi mình trở thành một kẻ kể chuyện với tấm lòng thông cảm.
Gặp một số người mang nỗi đau không thể bày tỏ. Cuộc sống mờ mịt của họ. Nỗi đau không tìm được lối thoát, Tôi tin đằng sau đều ẩn chứa một lý do lớn rất chân thực. Tìm ra nguyên nhân giấu mặt sau nỗi đau. Chúng là cốt lõi của tinh thần. Tôi sẽ trình bày, nhưng không đưa ra lời phán đoán. Sự vật nào có khiếm khuyết mới trở nên toàn mỹ. Đó là quan niệm thẩm mỹ của tôi.
Suốt một thời gian dài chìm đắm trong câu chuyện sáng tác này. Nhưng đã quen viết các tiểu thuyết loại vừa ngắn gọn khúc chiết, tôi đâm ra nghi ngờ khôn nguôi cái kết cấu của tiểu thuyết dài hơi. Nhưng cùng với các nhân vật không ngừng xuất hiện và những chuyện xảy ra giữa họ, tôi lại nhìn thấy ánh sáng.
Ánh sáng biến mất và đã qua. Nó giống như một con sông lớn, bình lặng và lao nhanh. Chúng ta đăm đắm về bờ bên kia. Chờ đợi bơi qua. Rồi nhìn thấy đoá hoa bên bờ. Đó là cảm giác trống rỗng to lớn, khống chế cả những nghi ngờ về cuộc đời.
Tôi tin một nhà văn nào cũng cần phải giữ được cảm giác trống rỗng sâu thẳm trong linh hồn. Có vậy họ mới có thể làm tốt công việc gian khổ. Những người hay kêu la, dương dương tự đắc sẽ không làm nổi điều gì. Họ sẽ bị chính mình đào thải vì những mục đích riêng tư.
Sau khi sáng tác, tôi đi du lịch xa một lần. Lúc đó có rất nhiều người chửi bới tôi ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi tâm trạng. Một số báo chí đăng tải các tấm hình mờ mịt do phóng viên chụp trộm. Cuộc sống tôi bị quấy rầy.
Trên đỉnh núi cao xa xôi, dõi mắt lên bầu trời lúc 11 giờ đêm. Ắt hẳn bầu trời Thượng Hải đã đầy ánh sao, nhưng ở đây chỉ có ánh tà dương bảng lảng. Nếu đổi được vị trí cho nhau, phong cảnh ngắm được sẽ khác hẳn.
Tháng Bảy, quyết định tạm thời rời xa Thượng Hải, tới Bắc Kinh sinh sống một thời gian. Làm các công việc phim ảnh, xuất bản, biên tập. Việc sáng tác tiểu thuyết phải đợi tới thời điểm thích hợp mới có thể bắt đầu lại. Muốn có nguồn cảm hứng mới, phải không ngừng trải nghiệm.
Tôi tôn trọng việc sáng tác của mình. Nó tiêu hao thời gian và sức lực. Cái giá nó phải trả.
Mười năm trước, mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi đều phải đọc một cuốn sách mà tôi rất yêu thích. Đó là tiểu thuyết của một nhà thơ nữ, rất ế ẩm ở hiệu sách mặc dù đã hạ giá. Nhưng nó đã bầu bạn với tôi suốt mọi chặng đường phiêu bạt.
Mười năm sau, rất nhiều người viết email cho tôi, nói rằng, trước khi đi ngủ, họ đều đọc tiểu thuyết của tôi, cảm thấy được an ủi và chìm vào giấc ngủ.
Nhà thơ đó đã biến mất, nhưng tôi vẫn tiếp tục.
An Ni Bảo Bối
Thượng Hải, tháng 7 năm 2001
Phần A - Kiều
Chương 1
Trong tiệm cà phê gặp Tiểu Chí
Cô nói, Tôi là một con chim đầy cảnh giác, không dễ đậu lại.
Vì thế cứ bay mãi.
Tôi luôn cho rằng mình đã quen với thời gian đã trôi và những chuyện cũ.
Bất kể ở đâu, gặp phải ai và kết thúc bằng cách nào.
Tôi là Kiều. Mùa xuân năm đó, tôi ở Thượng Hải.
Hằng ngày viết lách ở nhà, và các mục chuyên đề cho vô số tờ tạp chí. Để mỗi một từ ngữ nảy sinh giá trị phản ánh tinh thần và vật chất. Đó là kỹ năng mưu sinh duy nhất của tôi. Thu nhập tuy không ổn định nhưng có thể duy trì sự sống.
Cách sống như vậy trong con mắt mọi người có lẽ hơi tuỳ tiện và thiếu cảm giác an toàn. Nhưng đối với một cô gái đã nhiều năm không có việc làm ổn định và không muốn xuất hiện trong đám đông cũng giống loài cá đắm mình dưới đáy biển. Có con ẩn dưới mấy trăm mét, có con ẩn tới mấy nghìn mét, nóng lạnh tự biết, chỉ vậy mà thôi.
Tôi là một đứa con gái thích tự do, ưa nhàn rỗi. Nói một cách khác, tôi là một con người ích kỷ. Cái được gọi là "tiêu chuẩn của sự ích kỷ" là chỉ sống theo cách của mình. Buông thả thói quen xấu của mình như ngủ nướng, kiếm cơn say trong những quán bar gần nhà. Yếu ớt chìm đắm trong khói thuốc lá và chống chọi với hư vô. Thần kinh mệt nhoài và ăn vận lôi thôi. Thường xuyên ngồi phệt xuống đất, cười phá lên. Cũng có lúc quá nhạy cảm, do vậy cảm thấy quá khác biệt với nhiều mối quan hệ. Nhưng cũng không quá chấp nhặt với mọi người và công việc xung quanh.
Không chấp nhặt không có nghĩa là khoan dung. Chẳng thà rằng trong phần lớn thời gian, tôi không hề có hứng thú với mọi chuyện. Mơ màng với tất cả những thứ mà tôi không quan tâm hoặc coi trọng. Không chịu trả giá. Có nhu cầu hưởng thụ đơn độc.
Có lẽ tất cả đặc tính này đã quyết định nên việc tôi chỉ có thể lựa chọn viết văn. Tôi thích nó có thể giúp tôi lựa chọn những cách thích hợp chạy trốn hiện thực ồn ào, huyên náo. Tuy cũng cảm giác rằng chỉ có những người bị mắc bệnh trầm cảm dày vò kéo dài mới làm công việc đó.
Tháng tư ở Thượng Hải tiết trời vẫn lạnh, nhưng vẫn cảm nhận được mùa xuân dần tới.
Có lúc vào một buổi chiều đột nhiên có tâm trạng. Ngồi xe buýt đi ngắm cảnh mùa xuân thành phố. Ngồi ở hàng ghế cuối cùng, đặt chân vào chỗ dễ chịu nhất. Khi chiếc xe chậm chạp đi vào con đường đang bị ách tắc giao thông do sửa chữa, tôi có thể nhàn tản ngắm nghía ánh xuân ngoài cửa sổ và các cô gái xinh đẹp. Buổi chiều yên bình. Những toà nhà cổ theo kiến trúc phương Tây. Cái sân phơi đầy quần áo. Một góc ban công hé nở chùm tường vy màu phấn hồng. Lá cây ngô đồng xanh biếc cứ lấp lánh nắng. Cậu thanh niên Pháp đẹp trai bên đường cười tít mắt dưới ánh mặt trời, nét mặt mơ màng và chân thành.
Niềm vui của tôi chỉ là những thứ rất vụn vặt. Cũng giống như tên một ban nhạc Nhật Bản từng yêu thích trước đây - Điều nhỏ bé (Little Thing). Những chi tiết nhỏ nhặt là nguyên nhân tạo nên hạnh phúc. Thích cuộc sống đơn giản. Làm những việc mà mình thích. Sống trong thành phố mà mình yêu. Tốt nhất vẫn có thể gặp được thời tiết mà mình muốn, những người đàn ông và phụ nữ mà mình thích. Chỉ cần cam tâm tình nguyện, việc gì cũng có thể trở nên đơn giản. Không cần bất kỳ lý do phức tạp nào.
Đây là nguyên tắc sống mà tôi tin tưởng.
Buổi chiều Tiểu Chí xuất hiện là một ngày trời quang mây tạnh. Cái lạnh của mùa xuân Thượng Hải thường kéo dài rất lâu. Đôi khi cũng đủ khiến người ta mất đi niềm hy vọng tốt đẹp vào cuộc sống. Nhưng ánh mặt trời hôm đó rất đẹp. Ánh nắng màu vàng kim như xuyên qua lồng ngực, vuốt ve tới tận trái tim cứng cỏi. Như được sinh ra lần nữa.
Tiểu Chí nói, Chúng mình đi mua DVD thôi. Ánh sáng tươi tắn lấp loé trên mái tóc cô. Tóc cô rối bời, qua quýt, nom rõ hoe vàng, giống hệt một mớ rong biển phơi khô mềm oặt. Một cô gái không chút son phấn, mặc một chiếc áo khoác bông màu xám đen. Bên trong là chiếc áo phông dày màu đen, cổ tay đeo một sợi dây đỏ. Cô mặc rất ít. Thường quen nhô bờ vai ra dáng hiu hắt. Lúc cười, ánh mắt và khoé miệng có đường cong tuyệt đẹp. Gương mặt tươi trẻ bình thản như toát ra mùi hương thoang thoảng như cỏ hun vậy.
Tôi hỏi, Cậu thích loại phim gì?
Nhiều lắm. Không nhớ rõ. Mình không lựa chọn thích hay không thích. Diễn viên thì có Jeremy Irons. Mình thích nhất ánh mắt anh ta, giống câu chuyện trong Kinh Thánh.
Nghĩa là sao?
Bí ẩn. Ướt át.
Gần đây hình như anh ta có phim mới, đúng không?
Ừ nhỉ, "Kafka". Đi tìm thôi.
Chẳng bất ngờ khi tôi và cô có chung sở thích, tuy Jeremy Irons thoạt nhìn chẳng khác nào một gã đàn ông cô quạnh. Có gương mặt gầy, hẹp đặc trưng như của người Anh, hai nếp nhăn dài, sâu hoắm bên cánh mũi, kéo thẳng tới tận khoé miệng. Theo sách xem tướng của phương Đông, nếp nhăn đó tượng trưng cho những thống khổ bị đè nén.
Tư liệu tìm được trên mạng cho biết, thoạt tiên anh ôm mộng làm bác sĩ thú y, sau đó đọc được rất nhiều sách sân khấu và cho rằng sân khấu mới phù hợp. Rồi anh tới Bristol, gia nhập nhà hát Old Vic, cùng biểu diễn với Peter Otoole. Năm 1971, anh đến London, đầu tiên biểu diễn trên hè phố. Tiếp đó cống hiến nghệ thuật trên sân khấu và trên màn bạc. Thời kỳ cuối thập niên 70, anh bắt đầu nổi danh.