Những công trình vĩ đại đều khởi nguồn từ một ý nghĩ. Khi một ý nghĩ khi được nung nấu và được lên một kế hoạch hành động cụ thể, với thời gian tự nó sẽ tìm ra những phương cách để biến ý nghĩ đó trở thành hiện thực.
Nó chơi với mấy đứa trẻ khác trong một góc giáo đường. Góc giáo đường có vết bùn phủ rêu xanh. Trên nền đất ẩm ướt nở rộ mấy bông hoa dại màu tím, còn dăm con bướm thỉnh thoảng đậu lại. Khi mọi người cầu nguyện, lễ cũng gần kết thúc. Cầu nguyện xong, mục sư khám bệnh cho mọi người. Cha tự bốc thuốc Đông y cho các con dân trong tiệm thuốc của mình.
Có lúc, bà làm lễ xong cũng lên xin khám bệnh, bốc thuốc. Về tới nhà, trời đã tối mịt. Con đường núi tĩnh mịch không một bóng người, chỉ có cái bóng thăm thẳm của sơn cốc và ánh trăng nhợt nhạt rọi xuống con đường đá cát. Nam Sinh mệt rồi, nó áp lên lưng bà ngoại ngật ngưỡng ngủ. Bà kể chuyện cho nó, toàn những truyền thuyết kỳ bí trong Thánh kinh. Thần thánh linh hiển như thế nào, giúp đỡ các tín đồ trong khó khăn ra sao, Nam Sinh nhìn thấy trời đầy sao, từng ngôi sao vừa to vừa sáng, rực rỡ trong màn đêm xanh thẫm. Thoang thoảng mùi bùn ruộng trong gió.
Nam Sinh bé bỏng cứ ngỡ cuộc đời được che chở, không gặp phải bất kỳ nỗi khiếp sợ nào. Tuy có một người đã được chỉ định vắng mặt trong cuộc đời con bé. Không ai có thể thay thế nổi.
Nam Sinh trải qua những tháng ngày thơ ấu ở thị trấn nhỏ. Nó trèo lên sơn cốc sâu tìm hoa lan rừng. Xem kịch trong nhà thờ. Đi theo người lớn vào núi đốn củi, bới khoai tây, nhặt cà chua, gieo đậu. Lùa đàn vịt đi ăn cỏ. Bắt cá, tôm, cua trong khe sâu nước trong vắt có thể nhìn tới đáy. Mùa hè đi đưa nước và bánh lúa mạch ra đồng cho những người tới gặt giúp bà. Giúp bà phơi lúa, thu thóc trên sân. Có lúc buổi tối có chiếu phim, con bé ăn xong, vội vàng cầm chiếc ghế đòn gỗ ra sân phơi xí chỗ.
Nó thường leo lên núi một mình. Núi cao nhất thôn là Đại Khê Lãnh. Muốn lên núi phải đi hết một con đường rất dài và heo hút. Nhưng Nam Sinh vẫn thường nghe thấy một âm thanh tựa trong lòng kêu gọi nó tới đó. Một mình nó leo lên đụn cỏ dại cao ngất. Trèo tới được nửa đường, giữa lưng chừng núi có một cái miếu rách nát, bên trong có hai hình tượng Phật được khắc từ đá. Trên bàn đá bầy sẵn hoa quả đã khô quắt và những gốc nhang thơm đã cháy trụi. Nam Sinh đứng trong bóng khuất quan sát tượng Phật, cảm thấy chúng có một cái uy thật kỳ lạ. Nó không hiểu tại sao có một số người cầu kinh ở nhà thờ, một số người lại thờ Phật trong miếu nhỏ. Nhưng nó bắt đầu tin rằng có một sức mạnh nào đó có thể đủ sức thống trị và bao dung nỗi
khổ và bất lực của con người. Bao gồm cả cái ngớ ngẩn của nó.
Trên đỉnh núi vắng hoe không một bóng người, yên tĩnh như thể bị vây bọc bởi số kiếp. Chỉ có bầu trời xanh màu bích, tiếng gió rì rào và ánh sáng trắng rờ rỡ. Rừng cây trong gió cứ xào xạc. Nam Sinh có tính cô độc bẩm sinh nên không chút sợ hãi trước trời đất hoang vụ. Con bé ngồi trên một tảng nham thạch trên đỉnh núi và hét lên. Một mình nghe tiếng của mình nhanh chóng rơi tõm trong gió. Một cụm mây trắng lớn lờ lững trôi ngang. Tít tắp ngoài tầm mắt vẫn là núi non trập trùng giăng kín. Nhìn xuống thôn nhỏ biến thành những chiếc hộp xếp đống hoặc phân chia rải rác trong khu vực quanh đám núi. Thôn trang lúc hoàng hôn đã bắt đầu bảng lảng khói bếp. Bà ngoại đang đứng trên nóc nhà lớn tiếng gọi nó.
Thời thơ ấu của Nam Sinh độc lập trong chất hoang sơ như thế. Còn đọng lại trong ký ức con bé là cuộc sống tự do, tình thương ấm áp, thiếu hụt tình cảm, đối thoại với thiên nhiên và thần thánh, cảm nhận về sức mạnh của kiếp người.
Bố tới thị trấn thăm Nam Sinh rất gián đoạn. Bởi bố đã chuyển hộ khẩu về thành phố, vào làm việc trong một xí nghiệp sản phẩm dệt.
Gian khó trong cuộc sống khiến người ta không thể thốt nổi thành lời. Thế là Nam Sinh luôn thấy bố trầm lặng không lời. Bố luôn mặc bộ đồ Trung Sơn vải kaki màu xanh lam, đi giầy vải đen, ngực áo cài một cái bút máy mực xanh đen. Mỗi lần xuất hiện, bố lại ngồi hút thuốc dưới cây hoa dành dành. Khi nhìn thấy Nam Sinh liền khẽ cười, nhổm dậy, mang theo chút đau buồn.
Bố mang váy đẹp và kẹo sữa bò từ thành phố tới. Ở lại một đêm rồi lại vội vã đi. Tối đó, bố ngồi cả đêm trên chiếc giường gỗ trong phòng lớn. Im lặng không một tiếng động, không một âm thanh. Chỉ có ánh trăng lành lạnh nhợt nhạt rọi chiếu vào. Nam Sinh thấy cái bóng của bố thật u uất. Có lúc đôi vai ông rung bần bật, như đang khóc vậy. Nam Sinh nhìn bố, không rõ tại sao, rất muốn đi tới. Bà ngoại lặng lẽ lại gần, lấy tay bịt miệng Nam Sinh, ôm nó quay lại giường.
Bà ngoại khẽ nói, Đừng làm phiền bố. Bố đang nói chuyện với mẹ.
Nam Sinh thắc mắc, Mẹ làm thế nào nói chuyện với bố được? Mẹ không có tiếng mà.
Bà ngoại nói, Mẹ con nói chuyện với bố qua Đức Kitô. Nào, chúng ta cùng quỳ xuống cầu nguyện nào.
Nam Sinh mặc váy ngủ cùng bà ngoại quỳ xuống cái đệm bông bên cạnh giường. Cầu nguyện là việc con bé rất đỗi quen thuộc. Lúc ăn cơm phải làm dấu cám ơn, buổi sáng và buổi tối phải quỳ bên giường cầu nguyện. Đầu gối của Nam Sinh đụng phải cái thành giường lạnh lẽo. Nghe rõ tiếng bà lầm rầm đọc kinh trong đêm tối. Tiếng của bà nhỏ dần. Rồi bà bật đèn. Nam Sinh thấy bà chùi nước mắt ứa ra bên khoé mắt.
Sáng sớm hôm sau, bố đã dậy sớm lên đường. Bố cõng Nam Sinh đi trên con đường nhỏ giữa đồng còn mờ sương. Nam Sinh vùi đầu vào cổ bố, ngửi thấy mùi của bố toả ra từ da thịt và quần áo. Giống mùi lá cây khô và ấm. Bố lên xe ở bến xe, dùng ánh mắt mình vuốt ve con gái hết lần này tới lần khác. Bà ngoại giục. Chào bố đi chứ. Nam Sinh vẫy tay với bố. Bố gật đầu. Không cười. Cũng không nói với con bé câu nào. Chỉ có ánh mắt xót xa sâu thẳm, ủ ê vô hạn. Ô tô trên con đường núi ngày càng khuất xa rồi mất hút trong đám sương mờ mù mịt.
Sau đó, có một ngày, bố gửi tới một lá thư. Trong thư có một tấm hình. Bố đã kết hôn.
Bà đưa tấm hình cho Nam Sinh, nói với nó. Con có mẹ mới rồi nhé, Nam Sinh. Con còn có một anh trai mới. Nam Sinh nhìn tấm hình đen trắng. Bố ở đó, nhưng bên cạnh thay vào một phụ nữ khác. Một phụ nữ lạ với gương mặt tròn trịa và tóc ngắn. Bố và cô ta ngồi sóng vai, ở giữa đặt một đoá hoa nhựa. Mặt mũi và quần áo của họ đều được nhuộm màu, môi được tô đỏ rực rỡ. Trên gương mặt bố vẫn là một vẻ phẳng lặng tang thương. Cô ta cũng mặc một chiếc áo bông in hoa nhỏ. Trông cô rất đẹp nhưng ánh mắt đầy bối rối, khuôn mặt phủ một lớp lành lạnh căng cứng. Nam Sinh hơi khó chịu. Tại sao bố lại có thể ngồi cạnh một phụ nữ khác?
Một tuần sau bố sẽ tới đón con. Đón con lên học ở thành phố - Bà ngoại vừa nói vừa kéo vạt áo lau nước mắt.
Nam Sinh la to, Bà ơi, con không muốn rời xa Phụng Kiều.
Không được đâu, Nam Sinh. Con không thuộc về nơi đây. Con phải tới thành phố. Nhưng dù ở đâu, mẹ, bà và cả Đức Kitô đều luôn ở bên con.
Đêm cuối cùng phải rời Phụng Kiều. Bố sẽ tới đón nó từ sáng sớm. Nam Sinh không ngủ được. Bà ngoại cũng không ngủ được, lấy tấm vải bông trắng đã giặt sạch, phơi khô may áo và váy cho Nam Sinh. Còn làm cho nó một đôi giày vải, bên trên thêu hoa mẫu đơn và chim. Bà đưa cuốn Kinh Thánh cho Nam Sinh, dặn dò, Con phải mang theo đấy.
Nam Sinh đi vào căn phòng lớn. Căn phòng vẫn tối tăm và hoang vắng như thế. Chỉ có ánh trăng nhàn nhạt, xiên xiên rọi vào cái màn vắt trên giường. Nam Sinh lại gần, mở tung cái màn, rồi ngồi lên giường giống hệt cái dáng thường có của bố. Con bé chờ đợi mẹ xuất hiện để nói với nó vài câu, nhưng bốn bề vẫn im ắng, chỉ có tiếng côn trùng rả rích ngoài sân.
Nó thấm mệt. Ngả lưng xuống, áp mặt vào dấu vết đám máu cũ, ôm chặt lấy chúng. Ngoài cửa vọng vào tiếng chim bay đêm, gió lạnh trong sân rít lên khe khẽ. Nam Sinh cuộn chặt người, ngủ trên chiếc giường của người mẹ quá cố, ngắm ánh nắng đang được rót khẽ xuống qua lỗ thủng trên mái nhà. Rồi nó ngủ thiếp đi. Đó là giấc mơ ấn tượng sâu đậm nhất của Nam Sinh. Nó nhìn thấy mình đứng trên đỉnh núi Đại Khê Lãnh, cúi xuống nhìn đám rừng xanh ngút ngàn. Gió huýt sáo. Nam Sinh xoè đôi cánh tay, đáp xuống trong tư thế rất tự do. Tăng tốc độ đem lại niềm hưng phấn khôn xiết. Nam Sinh nín thở nhìn thời gian lướt xoẹt qua tai.
Ngày rời Phụng Kiều, cánh đồng hoang vắng ảm đạm, chỉ trơ lại những gốc rạ héo vàng. Nam Sinh đã lớn, nắm tay bố đi trên con đường ruộng mấp mô. Nước thấm ướt giầy con bé. Bố nó nhìn thấy, liền ngồi xuống, bắt Nam Sinh bám lên vai, cõng nó đi. Nam Sinh quay đầu lại nhìn bà ngoại. Bà xách hành lý của Nam Sinh, một túi vải thô xanh in hoa. Vừa đi vừa lau nước mắt.
Phải chờ rất lâu mới có chuyến xe đường dài đi qua thành phố. Trong bế xe, một người ăn mày lang thang đi qua, bói cho Nam Sinh một quẻ. Người phụ nữ nom hơi điên đó nói với bố rằng dưới khoé mắt trái của Nam Sinh có một nốt ruồi tang thương trích lệ. Nốt ruồi màu nâu nhạt đó đang toả ra mùi kỳ lạ. Cuộc sống của con bé luôn đau khổ vì tình cảm. Cũng may được cái trán sáng, cao và rộng. Lại có dáng đẹp, không ngại khó khăn, tất cả sẽ khác hẳn người thường. Nhưng mệnh của nó quá kiên cường, sức mạnh quá lớn sẽ khắc với tất cả những người yêu nó hoặc được nó yêu. Họ sẽ phải vì nó mà chết hoặc bỏ đi. Vì thế Nam Sinh chắc chắn sẽ phải rời bỏ quê hương, phiêu dạt đó đây.
Vì mệt mỏi và lạnh giá, Nam Sinh dựa vào vai bố lơ mơ thiếp đi. Bà vừa vuốt ve tóc nó bằng bàn tay thô ráp nhưng ấm áp, vừa khẽ thở dài.. Vài năm sau, bà qua đời do lâm bệnh nặng. Nam Sinh cũng không được quay lại thị trấn nhỏ nơi nó đã sinh ra. Năm đó, con bé mới bảy tuổi.
Bố nói với Nam Sinh, Đợi bố ở đây nhé, Nam Sinh. Đợi bố quay lại. Bố băng qua đường mua màn thầu nóng cho Nam Sinh. Mua xong màn thầu đang đợi sang đường. Ba phút sau, bố đã rời bỏ thế giới của Nam Sinh.
Hai ba người đàn ông ngoại tỉnh gầy còm, quần áo bẩn thỉu đi ngang qua, đột nhiên giật cái túi của anh bỏ chạy. Anh hốt hoảng kêu to, đuổi theo chúng đang xộc bừa vào đám đông. Hỗn loạn cùng tiếng kêu gào và tuyết rơi như bay đã nuốt chửng anh. Anh biết con gái anh đang chờ anh quay về ở bên kia đường, nên ra sức nắm chặt cái bánh màn thầu nóng trong lòng bàn tay. Anh muốn giật lại được cái túi xong sẽ đưa con gái về nhà. Nhưng chợt có linh cảm bất an, nó khiến thần kinh của anh thêm điên cuồng. Dù tư thế đuổi chạy của anh đầy giằng xé vì mệt mỏi và giá lạnh.
Lúc chạy qua đường, một chiếc xe chở hàng lao tới. Tiếng phanh gấp khiến lốp xe bị mài trên đường rít lên những tiếng chói tai đến tuyệt vọng. Con bé đứng ở đường bên này nhìn thấy một bầy chim màu đen bay táo tác ra xa với những tiếng kêu trầm trầm.
Chương 5
Lâm Hà Bình
Hà Bình đặt bát mì Dương Xuân trước mặt mình, rồi đẩy bát mì thịt bò lại trước mặt Nam Sinh.
Lần đầu tiên Nam Sinh gặp mẹ kế - dì Lan - là ở đồn công an. Dì Lan đưa nó về nhà.
Ngoài trời đang mưa. Tay dì cầm một cái ô, đầu ô nhỏ tong tỏng từng giọt nước lạnh giá. Dì mặc một bộ đồ tây vải tuýt xi màu đỏ. Bộ đồ khiến gương mặt cô nom cũ mèm, hệt như một tấm vải bông rẻ tiền bị giặt nhiều lần. Các ngón tay của cô run rẩy liên tục tới mức cô phải đan chúng vào nhau không rời.