Trong thư, Kiều là một con người mạnh mẽ, rất thoáng. Cô luân phiên biểu diễn trong các quán bar và nhà hàng ở Nam Kinh. Cô biết hát, biết chơi violon, ghita, piano, sáng tác lời nhạc, khiên vũ... Từ nhỏ đã bỏ nhà đi, lang thang phiêu dạt đủ mọi miền đất nước. Cô đọc rất nhiều sách, rất thích đọc. Nhưng thích nhất vẫn là tiểu thuyết của Lâm Nam Sinh. Cô nói tiểu thuyết của Nam Sinh có thể giúp cô khống chế được dây thần kinh thứ hai mọc ngược. Trong e-mail, Kiều nói, thứ bảy hàng tuần mình đều ở quán bar Banana. Nếu rảnh, tới nhé. Mình rất yêu cậu.
Lúc đó đã là mùa thu. Mùa thu ở Nam Kinh rất đẹp, bầu trời xanh thẳm như cao hơn, lá vàng bay lượn trên đường. Nhưng khoảng cách giữa Nam Sinh và La Thần ngày càng lộ rõ.
La Thần bắt đầu thấy bất an vì Nam Sinh đã dần rơi vào cách sống chìm đắm một mình. Mỗi ngày cô viết tới mười tiếng đồng hồ, từ bảy giờ tối tới năm giờ sáng. Rồi ngủ tới một giờ chiều mới dậy, tới toà soạn xử lý công việc. Cô hầu như không dành tí thời gian nào cho tình cảm giữa họ. Đã rất lâu rồi không đi dạo, đi xem phim và làm tình. Cô cũng từ chối tới nhà bố mẹ ăn cơm.
La Thần là người đàn ông thông minh. Anh không hề trách cứ hoặc khống chế. Anh chỉ thông báo với Nam Sinh cần phải đi xem một số đồ dùng gia đình vì thời gian kết hôn của họ đã cận kề. Anh nói, Nam Sinh, có lúc anh thấy mình không sánh được với em. Em quá xuất sắc. Đôi mắt anh nhìn cô xấu hổ. Nam Sinh ủ ê nói, Là anh đã cứu em, La Thần à. Dù bất cứ lúc nào nhắc tới, anh cũng từng cứu em.
Anh vẫn mong được chăm sóc em suốt đời.
Nam Sinh im lặng. Hôm đó ở trước cổng toà soạn. Vào cuối tuần, La Thần thường đạp xe tới, đợi ngoài cổng đón cô đi làm về. Rồi cùng nhau đi ăn. Hôm đó đi ăn còn có một số nhà phê bình, đều là bạn của La Thần. La Thần nói, làm quen với họ đi, sau này họ đều có thể giúp em đấy.
Nhưng em không cần sự giúp đỡ đó, La Thần. Em chỉ chăm chú viết những cái em muốn viết. Nếu độc giả thích, khắc đi mua về đọc. Nếu không thích, tự nhiên không đọc nữa. Liên quan gì tới nhà phê bình?
Em không hiểu đâu, Nam Sinh. Rất nhiều việc không đơn giản đúng tình hợp lý như vậy. Nhưng thôi, em chỉ cần lo viết tiểu thuyết của em. Anh sẽ thay em dẹp mọi phiền phức.
Trên bàn ăn, Nam Sinh cứ vùi đầu ăn. Cô luôn im lặng những lúc thấy vô vị. Cô nghe thấy có người dùng quan điểm cá nhân rất khó nghe để phê bình tác phẩm của người khác. Cảm thấy thật bực bội. Những người không viết văn, chỉ đọc tác phẩm của người khác lẽ ra đều được gọi thống nhất là độc giả. Lại có một số độc giả có quyền phát ngôn lại trở thành nhà phê bình.
Sách là thứ mà nhà văn viết cho các độc giả. Độc giả có quyền lựa chọn đọc hay không đọc. Nhưng làm gì có tư cách để chỉ trỏ nhà văn này viết ra, thậm chí còn chụp mũ, phê bình nó. Tư duy của Nam Sinh không chấp nhận được kiểu quyền uy đó. Cuối cùng cô không thể ngồi tiếp được nữa. Đập mạnh đôi đũa lên bàn, nhỏm dậy đi thẳng ra ngoài không thèm ngoái lại. La Thần đuổi theo. Anh cuống quýt thanh minh, Mọi người đều xã giao thôi, em việc gì phải nặng nề thế. Sao không để cho mình và cho người khác một khoảng lùi?
Em đã cho anh rồi, La Thần. Em biết rõ con đường của mình. Đừng có ra sức thay đổi em. Nam Sinh nhìn anh, giằng tay anh ra.
Mọi việc anh làm đều vì em, Nam Sinh.
Không cần. Anh thừa biết không thể nào khống chế được tôi. Dù tôi có rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu tôi không đồng ý, anh cũng không thể ép buộc được tôi. Nam Sinh nói, Xin lỗi, La Thần.
Nam Sinh tự lên xe buýt. Cô không nhìn rõ bảng xe. Chỉ ngồi lên một cách mù quáng. Ngủ thiếp đi vì quá mệt sau nhiều đêm thức trắng. Mơ. Thấy mình đang trên một chiếc xe buýt. Xe rất cũ. Sau xe chất đầy nước và rác rưởi, toả mùi thối khẳm. Toa xe trống trải chỉ có lái xe và một mình cô. Bác tài lái chiếc xe đêm phóng như bay. Giữa
chừng mới bắt đầu có hành khách lục tục lên xe. Hết lên rồi xuống. Khi gần tới mấy trạm cuối cùng, cô phát hiện thấy trong xe chỉ còn lại một hành khách.
Cô gái mặc chiếc váy xanh áo trắng ngồi cách cô một lối đi, nghiêng mặt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài đang mưa to, chảy từng dòng ngoằn nghèo mờ mịt trên tấm kính cửa sổ.
Thành phố là chiếc máy chứa cỡ bự và tĩnh lặng. Đầy ắp tiếng mưa huyên náo và trống rỗng.
Cô gái đi một đôi xăng đan, chân trần không tất. Là loại xăng đan mà tụi trẻ thế hệ 8X thường đi. Cặp đùi khép chặt, hai bàn tay thọc vào khoảng giữa đầu gối. Tư thế của cô trĩu nặng trong bóng tối.
Xe cứ chạy mãi. Cô chẳng hiểu cô gái đang ngồi kia là xuất phát hay quay về.
Cô gái không quay đầu lại. Bên cạnh đặt một cái túi xách cũ.
Nam Sinh hỏi, Cô đi đâu thế? Cô gái không đáp, như thể không thèm chú ý tới sự tồn tại của cô. Rồi cô đưa tay vuốt lên những hạt nước trên cửa sổ. Những giọt nước kéo thành từng đường dài. Nam Sinh nhìn thấy trên cổ tay trắng của cô những vết sẹo rất lớn. Chúng vụn nát, hoảng hốt.
Tim Nam Sinh thắt lại vì đau. Nhưng không tài nào cựa quậy nổi trên ghế. Không thể tiến sát lại gần nhưng cũng không thể rời xa cô gái. Đột nhiên tỉnh lại, Nam Sinh thầm nghĩ, đó là thời niên thiếu của cô.
Cô xuống xe, đi bộ men theo con đường lớn phía trước. Thấy bảng hiệu quán Banana to đùng góc phố. Cô nhớ tới lời mời. Thế là đi vào. Bên trong trần nhà rất thấp, những bóng người lắc lư trong bóng tối. Không gian như hang động không ngừng vươn sâu vào trong. Trên bục sân khấu trong góc, Nam Sinh nhìn thấy một dàn nhạc năm người đang biểu diễn. Bass, trống, ghi ta, organ điện. Còn có một cô gái làm nhân vật linh hồn, mặc quần da đen bó sát, áo hai dây màu đen gắn những miếng trang trí lấp lánh, lắc lư cái eo thanh mảnh kéo violon. Cô ta rất trẻ, tóc đen, mặt gầy bình dị, chỉ có đôi mắt tinh ranh như mắt mèo.
Nhạc không dở. Hát cũng không tệ. Cô gái hát hết bài này tới bài khác. Vương Phi, Đặng Lệ Quân, tiếng Quảng Đông, tiếng Anh, tiếng Nhật.... Ca khúc nào cũng được bắt chước rất tuyệt diệu, không dễ dàng. Giữa chừng còn có tiết mục xen vào để duy trì bầu không khí. Cứ vậy kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ, giữa chừng nghỉ giải lao.
Nam Sinh gọi cô phục vụ tới, nói, Rót cho cô ca sĩ một cốc nước lạnh. Kiều từng nói với cô, cổ họng cô chỉ uống nước lạnh mới thoải mái, mới có thể phát huy cao nhất. Cô gái nhận cốc những, nhìn Nam Sinh rồi đi tới.
Cậu đến rồi à? Cô gái chào Nam Sinh, như thể họ quen thân nhau từ trước.Rồi ngồi xuống, rút ra một điếu thuốc cho Nam Sinh.
Nam Sinh ngắm gương mặt bự son phấn và mắt xanh của cô gái, lấp lánh ánh bạc. Cô nói, Nhạc rất hay.
Cậu thích là được. Kiều khẽ cười. Trò vặt mưu sinh thôi. Nhưng phải làm người khác hưng phấn được.
Tiếp tục tới mấy giờ?
Ba tiếng đồng hồ mỗi đêm. Từ mười một giờ đêm tới hai giờ sáng.
Mình đợi cậu.
Ừ, Kiều vui vẻ cười. Cô ngoái đầu lại nói: Nam Sinh này, cậu còn đẹp hơn cả mình tưởng tượng, khiến mình rất vui.
Tối đó, sau khi kết thúc, Kiều mời Nam Sinh đi ăn khuya cùng các thành viên trong ban nhạc. Đều là những người tính cách phóng khoáng, ngôn từ thoải mái. Họ đều từng trải như Kiều, bỏ nhà đi từ sớm, phiêu bạt tứ phương. Kiều nói, Chúng mình đều có cuộc sống đắm mình như say.
Tay trống là bạn trai cô. Một chàng thanh niên tóc dài chấm vai, mặc bộ đồ đen bó sát. Khi anh cúi đầu xuống, mái tóc rủ theo, che cả mặt. Họ ăn lẩu cay, uống rất nhiều rượu. Rồi có người gẩy lên vài khúc ghita rạo rực. Kiều kẹp điếu thuốc trong tay, kêu lên một tiếng, đi tới bên đường, vui vẻ và không ngừng lắc hông. Nam Sinh và bọn họ vỗ tay cười, huýt sáo với cô. Trên khoảng trời xanh sẫm đã xuất hiện những đốm sáng mờ.
Rồi Kiều rủ Nam Sinh, Về nhà bọn mình đi. Cậu ngủ với mình.
Họ cùng thuê một căn hộ lớn. Trong phòng bày đầy nhạc cụ. Khắp phòng bừa bộn đầu thuốc lá, vỏ chai rượu, lọ thuốc rỗng. Trong phòng của Kiều, Nam Sinh thấy ga giường màu đỏ, rèm cửa màu đen, còn có một đống sách. Cạnh gối là tiểu thuyết của Nam Sinh. Cuốn tiểu thuyết có bìa xanh nước biển, đã đọc tới cũ nát.
Trước khi ngủ phải đọc sách của cậu. Nam Sinh à. Cậu có thể làm cho mình bình tâm lại.
Những người khác vẫn chưa ngủ, còn cười nói, chọc nhau chí choé ngoài đó. Rồi có người lại dạo lên một khúc ghita buồn dịu. Kiều cởi đồ, trần truồng với thân hình trắng mảnh dẻ, ngồi trên bậu cửa sổ rộng rãi hút thuốc. Cô đề nghị, Nam Sinh, chúng mình tâm sự đi. Lâu lắm rồi mình không tâm sự. Không tìm được người.
Nam Sinh không nhớ rõ cô thiếp đi từ lúc nào. Cô kể với Kiều về Hà Bình và La Thần. Từ nhỏ cô là người luôn kìm nén mình, không muốn tâm tình với ai. Nhưng cảm giác cô độc đó đã dần khiến cô không tài nào thở nổi. Kiều là một cô gái vừa gặp đã thấy rất đỗi thân quen. Ở bên cạnh cô khiến Nam Sinh cảm thấy thoải mái.
Hôn lễ của mình sắp tới gần, Kiều ạ. Nam Sinh thủ thỉ. Nhưng lòng mình chỉ tích tụ dục vọng đã vỡ nát.
Cậu định thế nào?
Muốn bỏ việc, rời khỏi La Thần, rời khỏi Nam Kinh.
Cậu muốn vứt hết mọi thứ hiện có sao?
Nam Sinh buồn rầu mỉm cười. Như vậy không lý trí phải không Kiều? Rất nhiều người chấp nhận số phận vì họ luôn làm những việc tất yếu phải vậy.
Cậu thật lòng yêu Hà Bình hay là yêu những khoảng trống trong lòng không tài nào thoả mãn nổi, Nam Sinh? Vì thế cậu lưu lạc, không ngừng trăn trở. Nhưng cậu có thể tin chắc chắn thứ cậu cần chính là cái cậu đang tìm kiếm không?
Kiều nói tiếp, Bọn mình mãi không dừng lại vì không thể tin được vào thứ đang thực sự tìm kiếm. Cho tới giờ, mình vẫn chưa xác định được cái gì là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Chắc chắn không phải là tiền bạc, cũng không phải là tình yêu, sự nghiệp hoặc tính mạng. Vì thế có lúc mình dùng ma tuý. Mình phiêu dạt tứ phương, sống với rất nhiều đàn ông. Không tài nào bước vào cuộc sống bình thường và hiện thực. Mình biết có một số thứ đang biến chất và trượt dốc với tốc độ chóng mặt. Mình chỉ lo tới một ngày không có khả năng ngăn được mình truỵ lạc.
Trong tiểu thuyết của cậu, mình thấy được những thứ ấm áp và ánh sáng. Nam Sinh này, tuy cậu luôn miêu tả bóng tối, nhưng mình lại thấy được những thứ này. Chúng tuyệt đẹp, đầy ắp màu sắc kỳ bí. Chúng giúp mình phải học cách vứt bỏ, phải tiếp tục tiến bước, phải tin vào số phận. Chúng mình đang trải qua từng tí một, đang lựa chọn từng tí một, đang loại trừ từng tí một. Cậu có sợ cảm giác trống rỗng trong lòng bàn tay không Nam Sinh?