Ngôi làng ấy nằm cuối con đường từ Hoà Vang đi Thạnh Mỹ. Đi được hai phần ba đường, khách theo một con đường đất trải sỏi đỏ đi thêm mười lăm cây số nữa thì tới nơi. Làng này dựa lưng vào một con sông nhỏ ngay chỗ dòng sông uốn khúc thành một gò đất bằng phẳng. Đó là một nhánh nhỏ nhất ở đầu nguồn của dòng sông Vu Gia mà người dân ở làng Rí thường gọi là sông Nghiệt. Từ bên này bờ sông dân làng có thể nhìn thấy ngọn núi xa ẩn hiện sau lớp sương mù hoặc những đám mây thấp.
Làng ấy ngày xưa là nơi đất hoang và người đầu tiên đến khai phá là Lê Thát và vợ con ông, nên ông là người có nhiều đất nhất trong làng. Theo gia phả mà sau này ông nhờ một nhà nho ghi chép lại thì ông là một hậu duệ của Lê Sát một trong những danh tướng có công khai quốc của Bình Định vương Lê Lợi, từng lên đến chức quan Tư đồ, phụ chính cho vua Thái Tông, sau bị thắt cổ chết vì tội chuyên quyền. Dĩ nhiên trong phả hệ hàng dọc ấy có rất nhiều chỗ trống, nhất là của những thế hệ gần đấng được coi là tổ của dòng họ ấy. Dù không có gì bảo đảm nó chính xác, ông luôn tự hào về liệt tổ liệt tông của mình.
Thực tế là năm mười hai tuổi cậu trai Lê Thát đã là một tôi tớ trong nhà của phú hộ họ Nguyễn ở Kiêm Liêu, Ngải Yên được chủ nhân dung nạp để làm việc nhẹ và sai vặt. Ông phú hộ là một người tham công tiếc việc, ông mướn tá điền gia nhân để phụ việc cho ông, còn chính ông là người đốc thúc chỉ huy mọi việc từ việc gieo mạ, việc cày ải, bừa ruộng, xuống mạ bón phân đều do một tay ông chỉ đạo vì ông đã trở thành phú hộ từ đôi bàn tay trắng của một tá điền làm thuê không có đất cắm dùi. Ông có hai bà vợ, người thứ thiếp họ Hà, trước kia là một ả đào. Bà này vừa còn trẻ - có thể gọi ông bằng bố - vừa xinh đẹp, một vẻ đẹp dễ làm say đắm lòng người với đôi mắt mí lót sắc như dao. Ông sử dụng năng lượng thừa sau lao động cật lực cho việc chồng vợ vui vầy, ân ái dĩ nhiên ưu tiên là cho người thứ thiếp, nhưng xem ra không đáp ứng đủ cho khát vọng thể lý cũng như tính đa cảm của bà này, vì ông quê mùa, thô lỗ.
Cách đó ba năm, ông phú hộ đã thỉnh một gia sư về dạy chữ nho cho hai con trai ông và mấy đứa con của các em ông. Ông nói với họ, “Tôi không giúp các chú tiền bạc, nhưng tôi cho con các chú chữ nho còn quý hơn cả một kho tàng.” Từ đó, dù khó khăn đến mức nào họ cũng cắn răng chịu đựng không dám hỏi vay mượn hay xin xỏ ông một đồng vì họ đã chịu nhận một “kho tàng” học vấn cho các con họ từ tay anh cả của họ. Khi gia sư họ Hồ từ Huỳnh Lưu đến dạy học được hơn năm thì thứ thiếp ông mang thai. Ông phú hộ đặt tên cho đứa con mới sinh này là Minh Sách với hy vọng nó sẽ thành danh trên con đường hoạn lộ sau này.
Bên ngoài cái gia tộc ấy, thế giới như thế nào, vua nhà Nguyễn và bọn quan lại đánh Pháp ra sao ông không cần biết đến. Ông cho rằng bọn giặc Pháp cũng giống như giặc cỏ xứ này chỉ ít lâu nữa sẽ bị triều đình tiêu diệt, dĩ nhiên đồng phục của chúng, cách để râu tóc và vũ khí của chúng rất kỳ dị hơn nhiều so với đám giặc cỏ. Vả lại bọn giặc ấy có ngoại hình giống như các yêu tinh minh họa trong các truyện cổ Phật giáo và trước sau gì chúng cũng bị diệt trừ. Sở dĩ ông phú hộ suy nghĩ đơn giản như thế vì ông không biết đàng sau những thằng bạch quỷ ấy là cả một nền văn minh phương Tây, trên bờ bắc Địa Trung Hải không thua kém văn minh Trung Hoa mà ông đang sống có khi còn ưu việt hơn nữa.
Một buổi tối nọ, cậu bé Lê Thát thay cho một tá điền đi canh ruộng sắp đến ngày gặt, mang cơm đến cho gia sư họ Hồ, ở trong một căn nhà tranh nhỏ khá tươm tất trước kia dùng làm nhà kho, cách nhà chính độ chừng năm mươi thước. Lúc đó Hồ gia sư đang chấm bài, ông nhíu đôi lông mày, cau đôi mắt lươn thở dài tự nhủ, “Thế này thì chữ nghĩa thánh hiền rồi phải tiêu vong thôi.” Ông ngước lên nhìn Thát lúc nó vào nhà, chỉ chỗ cho nó đặt giỏ cơm rồi tiếp tục chấm bài trong lúc nó nói câu chào và ra về. Về được gần nửa quãng đường thì cơn mưa ập xuống. Thay vì chạy tiếp nó lại quay lại chỗ ở của gia sư rón rén bước sang một bên chái nhà bởi sự tò mò vốn có của trẻ con trước việc chấm bài mà nó cho là rất quan trọng.
Ở đấy có sẵn một đống gỗ ván đã cũ mục được xếp ngay ngắn, nó đứng trên đống ván ấy qua khe hở dưới mái nhà nhìn ông thầy một lúc. Khi đã nhìn chán chê và thấy không có gì thú vị như nó nghĩ, nó định quay về nhưng cơn mưa to vẫn chưa dứt, trời đã tối đen như mực, gió thổi vù vù hắt nước vào mặt nó. Ngồi một mình trong bóng đêm nó thấy vừa chán, lại vừa sợ. Một lúc sau, nó nằm dài trên đống gỗ và như mọi trẻ nhỏ khác nó ngủ quên khi cơn mưa đã tạnh chỉ còn lất phất những giọt nhỏ như bụi phấn. Hình như nó đã ngủ một giấc dài và nằm mộng thấy hai con cáo rất to lông vàng như gấm đang phủ nhau, bỗng nhiên nó giật mình thức dậy vì tiếng rên to của cáo nhưng cũng vì những tiếng động lạ trong nhà.
Nó nhẹ nhàng đứng lên và trong ánh sáng của chiếc đèn con bằng sắt tây nó nín thở trước một cảnh tượng lạ lùng. Trong ánh đèn con tù mù nó thấy gia sư và bà thứ thiếp không có mảnh vải trên người như hai đứa trẻ tắm mưa đang quần thảo. Nó căng mắt nhìn chỉ thấy lờ mờ cái vú bự, cái mông to và láng của bà và sau cùng cái mông nhỏ của gia sư đang nhấp nhô lên xuống trên người bà thứ thiếp đang giơ hai chân trên lưng gia sư như hai cái càng cua đã luộc chín. Nó nghĩ, “Vậy là Hồ gia sư đấu vật tốt hơn”. Nhưng khi nghe tiếng rên rỉ của cả hai người, nó chợt hiểu ra đây không phải là trò đấu vật, rồi nó nhớ đến hình ảnh hai con chó mắc lẹo hay trâu bò phủ nhau hoặc và nó biết sự gì đang xảy ra. Nó nói, “Bà Đan Hỉ này và thầy Tác kia bậy bạ quá,” và ngồi thụp xuống lại; nó nghĩ mình nằm mơ và còn trong giấc ngủ, nhưng sao giấc mơ này kỳ quái như thế. Trong lúc phân vân giữa mê và tỉnh, nó nghe tiếng bà thứ thiếp kêu lên một tiếng cảm khái của lạc thú lên tận cùng trong đêm thanh vắng, nó cũng không buồn đứng dậy. Sau đó tâm hồn ngây thơ của nó chán chường giữa đem đen dầy đặc và lại ngủ tiếp. Đến khi gà gáy lần đầu, nó lại giật mình thức dậy, lại lén nhìn và thấy bà thứ thiếp rón rén đi ra rất nhanh trong tối như người đã thuộc đường. Lần này nó mới biết mình không nằm mơ lúc ngủ mê. Khi trời bắt đầu rạng sáng nó mới vội vã quay về trước lúc mà một tá điền sẽ đi đánh thức các gia nhân trong nhà ông phú hộ.
Sáng hôm sau mọi việc trở lại bình thường, nhưng nó nhớ lại những câu nói ngắn mà đôi nam nữ nói với nhau trong đêm:
“Em phải giữ đừng có con nữa vì anh muốn dạy học lâu dài ở đây.”
“Anh không muốn dòng dõi họ Hồ đông con nhiều cháu bằng cả dân một nước sao?”
“Thôi một mình thằng Sách đủ rồi, còn con cháu của nó nữa, yên chí đi rồi nó sẽ có vô số cháu ngoan của họ Hồ này …”
“Ối ái… sướng quá thầy nó ơi…”
Lê Thát chợt nhận ra rằng thằng Sách bề ngoài là con của Nguyễn phú hộ nhưng là giọt máu của Hồ gia sư. Nhưng nó sẽ không nói với ai chuyện này cũng như chuyện tối hôm qua bởi nó không muốn bị tống cổ ra khỏi nhà ông phú hộ. Cũng có khi nó khó giữ toàn tính mạng nếu một người nào đó trong cuộc nảy ra ác ý giết người diệt khẩu. Tuy nhiên khi thấy bà thứ thiếp ngả ngớn, õng ẹo đi qua trước mặt nó, nó thấy có gì lướng vướng trong đáy quần, có cái gì đó đang hoạt động. Nó biết mình đã đến tuổi dậy thì và nó nhất quyết tìm cho mình một người vợ.
Dù nó không nói gì nhưng hai năm sau, khi Sách được ba tuổi nó thường nghe vợ các tá điền và mấy bà già thì thầm với nhau chuyện Hồ gia sư dan díu với bà thứ thiếp và Sách là giọt máu của Hồ gia sư nhưng nó vờ không nghe thấy hoặc tuyên bố không tin. Thêm một năm nữa Hồ gia sư khăn gói về lại Huỳnh Lưu. Đám học trò đến thọ giáo một nho sĩ khác trong làng.
Cũng may mà lương tâm không chết: nó có thể chết trong lòng một nhà nho ngạo mạn, một thứ thiếp dâm tà hoặc một thằng bé nghèo không nơi nương tựa nhưng vẫn sống nơi những bà nhà quê chân lấm tay bùn.
Năm mười bảy tuổi Lê Thát tìm được một con gái chịu làm vợ nó, Nguyễn phú hộ cho hai vợ chồng nó ít tiền làm vốn trước khi nó vào Nam đến sông Nghiệt lập nghiệp. Nó coi đồng tiền mà phú hộ cho nó là để trả công việc nó đã biết im lặng trước điều xấu, nhưng nó cũng xấu hổ đã không có đủ dũng khí tố cáo điều tà vạy của Hồ gia sư và bà thứ thiếp. Nó hèn … nhưng nó tự bào chữa …như nhiều người khác cũng hèn kể cả những nhà nho, những ông sư vì ở xứ sở này hôm nay người ta chuộng sỉ diện hơn chân lý.
Đến sông Nghiệt, Lê Thát để vợ mới cưới ngồi trên lề đường, đi bộ một vòng giữa cảnh hoang vu bên này bờ sông, không mái nhà, không làn khói lam từ những chỗ nấu nướng bốc lên, khác hẳn với xóm chài xa xa bên kia bờ sông. Rõ ràng bên này thiếu sự sống nhưng Thát thấy phong cảnh có vẻ thanh quang liền chọn đất này để lập nghiệp. Ngay ngày hôm đó Thát đưa vợ quay lại Thạnh Mỹ tá túc nơi nhà một bà goá, buổi tối đến nhà một thợ rèn đặt làm một cái cày do người kéo. Hai ngày sau có cày; Thát vác cày cùng với một thằng nhỏ biết cầm cày mà Thát thuê đi về hướng sông Nghiệt. Vợ Thát ở lại làm bánh nếp ra chợ Thạnh Mỹ bán.
Ngày đầu tiên Thát và thằng nhỏ dựng một túp lều. Với gạo mang theo và cá câu cắm từ sông, hai người có thể trụ lại được mười ngày. Ngày thứ hai Thát máng dây cầy vào vai mình, còn thằng nhỏ cầm cày, mỗi ngày cày được năm sào đất. Sau mười ngày đã có được năm mẫu đất. Chỉ cần mưa thuận gió hoà, dù năng suất kém vì đường cày không sâu bằng bò kéo nhưng với diện tích của năm mẫu đất thì cuối mùa mưa này Lê Thát có thể đưa vợ về sông Nghiệt. Lúc đó ông đã có trong tay hai mươi mẫu đất bên này và bên kia sông. Ngoài thằng bé cầm cày cho ông sau hai tuần đã trở thành gia nhân đầu tiên, sau này ông còn có thêm ba gia nhân nữa.
Hai vụ mùa đầu tiên thành công vượt quá ý muốn, Thát đưa vợ về sống trong một ngôi nhà tranh vách đất nhưng có đủ ba gian hai chái. Thát nghĩ mình có thể trở thành phú hộ như chủ cũ ở ngoài xứ Ngải Yên. Năm đó vợ Thát có mang và đứa con trai duy nhất được đặt tên là Lê Đối, ý nói ông đã đối phó với mọi khó khăn để khai phá đất hoang thành ruộng. Con ông sẽ không vất vả như ông nữa.
Thế hệ thứ hai Lê Đối lên thay cha trở thành địa chủ ở làng Rí sinh được hai trai và một gái. Trai trưởng là Lê Ngát, trai thứ là Lê Bát và một cô gái út là cô Út Miều.
Khi các con đến tuổi thiếu niên, địa chủ Lê Đối muốn tìm thầy dạy chữ cho các con; đang không biết tìm thầy dạy ở đâu thì một nhà nho trong phong trào Văn Thân bị Tây truy nã tìm đến làng tá túc. Lê Đối yêu cầu ông ta ở lại dạy học cho con mình, ông sẽ cấp cho thầy một mẫu ruộng tốt, cất nhà cho thầy để thầy đưa vợ con thầy về ở chung và chăm sóc cho thầy vì thâm tâm Lê Đối sợ thầy bị mấy cô thợ cấy chọc ghẹo, quấy rầy khi thầy ở một mình. Mấy đứa thợ cấy lẳng lơ khi thấy đàn ông lịch sự thì tơm tớp như mèo thấy mỡ.
Nhà nho họ Trình nhỏ hơn Lê Đối bảy tuổi rất cảm kích tấm lòng trọng thầy, trọng chữ của ông địa chủ. Thầy Trình đồng ý ở lại vì sau một thời gian chạy trốn ông quyết không theo phong trào Văn thân nữa vì thấy Văn thân với chủ trương bình Tây sát tả nhưng đánh Tây thì ít, giết đạo Tây hơi nhiều, kiểu như giận cá chém thớt. Họ lại có sự nhập nhằng không phân biệt giữa cá và thớt khác nhau. Vả lại bảo vệ vương triều lúc này liệu có phải thật sự vì lợi ích của nhân dân không, trong khi nhà các nhà nho Trung Hoa như Tôn Dật Tiên theo tư tưởng của Lương Khải Siêu, Khan