Họ từ biệt nhau ở bến tàu. Đúng lúc trưa, ánh nắng ấm áp. Khắp nơi đầy đám người bẩn thỉu chen chúc lễ mễ bao to túi nhỏ. Từng đợt sóng huyên náo cứ ào lên. Bến xe là chỗ mù quáng và tất yếu như vậy. Hà Bình mặc chiếc quần bò cũ hợp mốt, khoác ba lô du lịch. Anh chen vào đám đông mua vé xe lửa. Nam Sinh đứng chờ bên ngoài, đăm đắm nhìn anh. Ngắm người đàn ông đang di chuyển trong đám đông. Bóng hình anh lúc ẩn lúc hiện. Nam Sinh cứ chăm chắm nhìn như thế.
Xe lửa lúc một giờ chiều. Hà Bình xuất hiện trước mặt Nam Sinh, tay nắm chặt một tấm vé. Chúng mình đi ăn trưa đã - anh nói. Họ đi tới một tiệm ăn cạnh bến tàu. Nam Sinh nhìn góc phố quen thuộc. Ánh nhìn của nó dừng lại nơi đó. Vẫn có rất nhiều xe đạp và rác rưởi nơi đó. Vẫn là thứ ánh sáng tối tăm trống rỗng. Đó là nơi nó từng chờ đợi một người đàn ông quay về. Chỉ có tiệm bánh bao đổi thành tiệm tạp hoá.
Mọi thứ như hiện ra trước mắt. Nam Sinh nghe thấy tiếng bầy chim bay lên rào rào. Tiếng còi xe và tiếng người huyên náo hoà quyện làm một. Một đứa bé gái quàng khăn đỏ im lặng đứng trong mưa. Đôi mắt con bé trống rỗng.
Hai bát mì thịt bò được bê tới. Nam Sinh và Hà Bình ngồi hai bên đầu bàn, cách nhau bởi cái mặt bàn gỗ lấm lem dầu mỡ bẩn thỉu, giống hệt như trước kia. Hà Bình cầm đũa lên ăn trước. Ăn được một lúc, ngẩng lên, nhìn thấy Nam Sinh vẫn chưa đụng đũa. Củng một cái vào trán nó, anh gắt, Nam Sinh, ăn mì đi.
Nam Sinh cầm đũa lên. Hai người đối diện nhau, im lặng ăn.
Quay về phòng chờ. Nam Sinh ngồi trên ghế, ngắm một người đàn ông đang ngáy ro ro, bên cạnh là một phụ nữ nông thôn đang ru con ngủ. Nam Sinh liếm môi, cô muốn uống nước. Hà Bình nói, Cầm ba lô, anh đi mua nước.
Anh quay người đi tới quầy bán đồ vặt, Nam Sinh ôm cái ba lô của anh, ngồi im trên ghế. Nó chuyển hướng nhìn, lại thấy cái góc đó, vẫn tối tăm không người. Chiếc đồng hồ trong đại sảnh đã vượt quá phút thứ 30. Nam Sinh đứng dậy, bỏ đi. Nó mặc chiếc váy cũ màu hồng phấn, mớ tóc đen dính bết trên mặt bởi mồ hôi. Hai tay ôm chiếc ba lô trước ngực. Nó tới quầy bán vé, vào phòng chờ, tìm từng gian một. Chạy khắp nơi ngó nghiêng trên đường phố, lại chạy về cổng xuất phát.
Nó thở hổn hển, tưởng chừng người sắp vỡ tung. Những người nó yêu quý trong đời đều bỏ đi. Nó biết vậy. Mồ hôi trên trán lăn xuống không ngớt.
Loa tàu thông báo tin hành khách đi Quảng Châu bắt đầu soát vé. Rồi nó nhìn thấy Hà Bình. Anh chen ra khỏi một đám hành khách đứng chen chúc, ôm hai chai nước trong lòng, chạy về phía nhà xe. Anh đã trở thành một người đàn ông to lớn quá rồi. Hà Bình. Họ muốn sống tựa vào nhau. Nó muốn được ở bên anh đến răng long đầu bạc. Nam Sinh giơ tay lên, cắn mạnh vào tay mình. Nó dùng sức đến nỗi toàn thân phát run, bỏ tay xuống, nhìn thấy dấu răng sâu hoắm, bật máu tươi. Nó kéo tay áo xuống che vết thương, đi về phía Hà Bình như không có chuyện gì xảy ra.
Hà Bình nhìn nó, kéo cánh tay đã bị áo che khuất. Ánh mắt anh u uất. Người mua nước đông quá, anh phải chạy tới một tiệm khác rất xa. Nam Sinh, lần sau không được phép làm như vậy. Nếu không, anh sẽ hận em.
Em biết. Nam Sinh nhìn vết thương trần trụi của mình, khẽ ấp úng. Đột nhiên cô thấy ngượng. Lẽ nào tình cảm của cô lại giằng dai cố chấp như thế, không biết trốn vào đâu. Hà Bình lên tàu, ngồi xong thò đầu ra. Về đi, Nam Sinh. Nam Sinh cô đơn đứng trên thềm tiễn, nhìn anh.
Phải học giỏi nhé. Anh sẽ gửi tiền cho. Đó là con đường duy nhất và tốt nhất cho em. Hiểu không? Hà Bình nhìn cô, rồi buồn bực hút thuốc. Anh tiếp, Chúng ta không thể sống bên nhau, Nam Sinh à. Chúng ta phải đường ai nấy đi thôi.
Nam Sinh vẫn im lặng. Ánh sáng rực rỡ chiếu rọi khắp nơi. Những lời lẽ của Hà Bình quất lên ngực Nam Sinh vẫn lạnh buốt. Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Nó chạy theo, thấy Hà Bình nhô đầu ra vẫy tay. Nó nắm chặt tay, ra sức chạy, tóc tai và quần áo bay lất phất trong gió. Nó thấy mình sẽ chết trong sự đeo đuổi vô vọng này. Tim đập mạnh, đau tưởng như sắp vỡ tan. Cuối cùng, xe lửa hụ lên một tiếng dài, biến mất ở khúc ngoặt phía trước. Khuôn mặt như đoá hoa của nó cũng khô héo như tuổi xuân.
Hà Bình lại bỏ đi như vậy.
Chương 7
Tình yêu phương Nam
Trong bóng tối, từng tấc da, từng sợi lông tơ của cô còn nhớ rõ âm thanh của anh. Tưởng tượng như thể chạm tay vào khuôn mặt anh. Đó là tài sản duy nhất của cô. Căng thẳng nắm trong tay, không nỡ buông. Bởi vì một khi đã buông sẽ trở nên trống rỗng. Cả thế giới sẽ trắng bạch một màu. Cô ở đâu cũng đều như vậy. Ánh mặt trời ngoài cửa sổ sáng tới mức không mở nổi mắt. Lá cây ngô đồng quả thực xanh quá, đẹp quá. Mắt cô ngập nước mắt nóng bỏng.
Bưu điện ngoài cổng trường là một gia nhỏ chật hẹp sát đường. Ngoài cửa là một hòm thư màu xanh lá cây nhằng nhịt vết loang bởi nước mưa. Cạnh đó là cây ngô đồng Pháp già lão. Cây chắc khoẻ, cành lá nghiêng ngả, lớp vỏ cây đã bị tụi trẻ con nghịch ngợm lột sạch, trơ ra lớp thịt trắng ngần. Sau mỗi lần nhét thư vào thùng, Nam Sinh lại lấy móng tay khẽ vạch một nét trên lớp gỗ mềm đó. Nhưng giữ không nổi những kỷ niệm. Cô chỉ có thể tự mình nhớ những giây phút đó. Nhung nhớ những thời khắc ở bên Hà Bình.
Trong cô đầy ắp kỷ niệm. Những lúc hoàng hôn lạnh giá mùa đông hoặc lúc tinh thần u uất, Nam Sinh thường đi tắm. Đứng dưới vòi nước, mặc cho nước nóng rãy xối thẳng lên da thịt. Nước bắn tung toé, phủ kín từng đường cong trên cơ thể và khuôn mặt cô. Nam Sinh vuốt ve làn da trơn mịn và bóng láng như tơ. Cơ thể này đã không còn sự tinh khiết của người thiếu nữ. Bầu ngực như nụ hoa, chiếc eo lưng thanh mảnh, cặp đùi cao dài. Nam Sinh nhớ rất rõ cảm giác hưng phấn khi những ngón tay của Hà Bình dày vò lên đó. Hưng phấn tàn bạo. Anh như con thú hoang hút kiệt lấy cô, cắm sâu vào cơ thể cô. Gương mặt cô tỳ lên cổ anh, nghe rõ cả tiếng chuyển động của yết hầu anh, phát ra những âm thanh khẽ run rẩy như bị sóng nước đánh vào. Trong đêm tối, từng tấc da, từng sợi lông tơ của cô đều nhớ rõ âm thanh của người đàn ông này. Tưởng tượng như chạm tay được vào gương mặt anh.
Cô cần phải nhớ anh.
Ở đại học, Nam Sinh đã gặp rất nhiều nữ sinh quá bình thường. Tự mình một con đường, lạnh lẽo khác người. Cô không phải là một người dễ sống chung.
Ngày đầu tiên dọn vào ký túc. Cô là người đầu tiên vào phòng, chọn lấy một giường dưới sát cửa sổ. Nhưng sau khi mang balô đặt lên chiếc giường đã chọn, vào nhà vệ sinh rửa mặt quay lại, phát hiện thấy một nữ sinh tóc ngắn, gầy gầy đang ngồi trên giường. Cô ta đã đặt chiếc ba lô của cô lên giường trên.
Nam Sinh nói, Đây là giường của tôi. Tôi đã đặt hành lý lên rồi.
Cô gái nhìn cô. Cô ta có đôi mắt trắng trơn không kiêng nể ai. Cô ta không thèm đáp lại Nam Sinh. Xung quanh im như thóc. Một số người khác tuy vẫn đang thu dọn hành lý nhưng không hề buông ra một câu nào. Họ ngầm quan sát xem tiến triển ra sao.
Nam Sinh nhấc chiếc cốc của cô nữ sinh nọ đang đặt trên bàn, ném choang vào góc tường. Chiếc cốc sứ vỡ tan phát ra những âm thanh chói tai khiến những kẻ khác hoảng sợ kêu ầm lên. Nam Sinh rít khẽ. Cút đi.
Lâm Nam Sinh nổi danh trong đám sinh viên mới của nhà trường từ hành động tồi tệ nọ. Cô nữ sinh căm ghét Nam Sinh thoạt đầu còn nghĩ kế báo thù. Nhưng rất nhanh chóng phát hiện ra rằng phương pháp cô lập Nam Sinh hoàn toàn không có hiệu quả. Vì căn bản cô không bận tâm. Nam Sinh mặc xác mọi người nhìn nhận cô ra sao. Cuộc sống độc lập nhiều năm khiến cô có sẵn tính cách trơ lỳ, như thể không có ai bên cạnh.
Cũng vì không ai dám có hành động thô bạo đối với cô vì không thể đoán nổi hoàn cảnh xuất xứ của cô. Cuộc sống của cô khác hẳn với các nữ sinh khác. Hà Bình liên tục gửi cho cô những món tiền không nhỏ. Có lúc còn gửi cả đồ mỹ phẩm mốt nhất hoặc những tặng phẩm khác như máy CD, nước hoa... bằng đường bưu điện. Đó là nhữ
ng thứ mà các nữ sinh bên cạnh cô khi ăn cơm phải tính từng cái phiếu ăn không thể so sánh được.
Cứ như vậy, Nam Sinh dần dần tạo xung quanh mình một vòng khí. Sức mạnh của nó rất mãnh liệt, dường như không để bất kỳ ai lại gần. Vì thế, suốt từ năm thứ nhất đến khi bỏ trường, không một nam sinh nào dám bày tỏ tình cảm với cô.
Nam Sinh cũng không hề hứng thú với chuyện yêu đương, dạ hội và lên lớp, lại càng không thích chuyên ngành của mình. Cô đã không muốn đi học nữa, cự tuyệt cuộc sống tuân thủ quy tắc. Dòng máu của cô đã định sẵn một con đường đi tự do như động vật sống trong rừng thẳm. Tính hoang dã và sự nhạy cảm của cô đều nhiều hơn bất kỳ ai.
Trong trường, cô chỉ lên lớp những môn mà cô yêu thích. Phần lớn đều là những môn tự chọn, đặc biệt hứng thú với triết học, nghệ thuật, văn học, tâm lý học. Thi các môn chính đều rất thảm hại. Cô linh cảm nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không tốt nghiệp nổi. Thời gian rỗi thường đơn độc đọc sách trong thư viện. Ngắm nhìn cánh hoa đào đôi khi bị gió xuân thổi, bay vào mặt bàn. Mãi cho đến khi một người thiếp đi trên bàn.
Tham gia hội văn, bắt đầu biên tập báo trường và sáng tác tản văn cùng tiểu thuyết. Các bài viết của cô gây nên vô số tranh cãi. Nam Sinh bắt đầu đọc thơ ca. Cô tin rằng cuộc đời có đau khổ. Vì thế bắt đầu thờ ơ với hiện thực. Những lúc hoàng hôn, cô đi giầy thể thao chạy trên sân vận động một mình. Nghe tiếng chân mình vọng lại trong tĩnh mịch. Trong gió rít, tim bắt đầu dần dần co thắt đau đớn. Chạy xong, ngồi trên bậc thềm, vừa hút thuốc vừa ngắm nhìn màn đêm, rồi quay về ký túc.
Cô đồng thời cũng bắt đầu kiếm tiền. Giữ chặt mọi cơ hội đi làm gia sư hay nhân viên bán hàng.
Cô muốn kiếm tiền. Hơn ai hết, cô hiểu được tiền có thể đem lại tự do. Tiền là phương thức trực tiếp nhất để thực hiện mục tiêu. Vì cô đã nghèo đói quá lâu. Từ bảy tuổi đã bắt đầu cuộc sống ăn nhờ ở đậu, mãi tới tận bây giờ. Đồng tiền nuôi nấng của Hà Bình khiến cô mất đi tự do, không còn sức lực vốn có để yêu anh.
Nam Sinh tới làm thêm trong một quán bar bên hồ vào các tối. Chịu được khổ, tích cực làm, lại có một chất giọng ngoại ngữ xuất sắc, có thể kiếm được ít tiền boa của khách ngoại quốc. Cô làm việc rất tốt. Chỉ có điều bị mất ngủ rất lâu. Có lúc sáng sớm tinh mơ mới về trường. Một mình hút thuốc trong phòng. Đi đi lại lại như một con thú, mở toang cửa sổ để không khí rét mướt xoá tan khói thuốc. Sinh viên trong ký túc kêu ca. Nhà trường cảnh cao. Nam Sinh đành phải thuê nhà gần trường, dọn ra ngoài.
Những lúc rảnh rỗi trốn tiết, cô thường nhốt mình trong nhà viết tiểu thuyết. Mua một chiếc máy tính cũ. Cô gửi tiểu thuyết tới một tạp chí văn học yêu thích ở Nam Kinh. Nhàn tản viết một số tiểu thuyết về đề tài mặt trái xã hội. Những tiểu thuyết này rất nhanh chóng được đăng. Biên tập viên viết thư cho cô. Mở bức thư màu trắng ra, bên trên đầy những nét mực đen bay bướm, bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tiểu thuyết của cô. Trong thư viết, xin chào Lâm Nam Sinh. Sau khi tiểu thuyết được liên tục đăng tải, phản ứng của độc giả rất mạnh mẽ. Tài năng thật đáng quý, hy vọng cô tiếp tục sáng tác. Tên đề cuối thư là La Thần. Ắt là tên của đàn ông.