Thành bại, may rủi trong cuộc đời con người tuy do nhiều yếu tố quyết định, những suy cho cùng vẫn là do tính cách con người và do sự lựa chọn của cá nhân mà ra.
Cô huơ tay chào tôi. Chiếc xe nhẹ nhàng và nhanh chóng hoà vào dòng xe tấp nập.
Tôi đứng bên đường một lúc, nghĩ xem nên đi đâu. Vẫn ngơ ngẩn. Thế là đơn độc băng qua bên đường, tới một tiệm nhỏ góc đường mua một tách trà sữa. Cầm tách trà nóng hổi thơm ngát trong tay, cuối cùng cũng đẩy lui được cái giá lạnh khiến xương cốt run lẩy bẩy. Nghĩ ngợi, quyết định uống nốt tách trà, sẽ về nhà đi ngủ.
Khi Tiểu Chí gọi điện cho tôi, thời gian đã qua một đận. Cô nói đã chia tay với Frank. Anh ấy sắp về nước.
Có một số người dường như vĩnh viễn không thể bỏ được một quỹ đạo sống nào đó, bất lực, biết chết mà vẫn đâm đầu vào, không thể thông cảm được. Hôm đó, cô uống say mềm, tự gọi tắc xi về. Vừa mở cửa đã nôn ồng ộc, ngã lăn ra đất. Tôi kéo cô vào trong, cởi hộ quần áo và giầy. Nhìn vết roi đánh trên lưng cô, tuy không nặng lắm, nhưng cứ đỏ tấy lên đầy quái dị, trên người còn có hình xăm.
Đột nhiên thấy thật sốt ruột. Lấy một chậu nước lạnh trong bồn tắm, lau sạch rượu trên đầu cô. Tôi nói, Cậu có động não không đấy? Muốn hầu bọn Tây chơi sao? Người ta tới tìm vui thôi. Cậu còn tưởng có thể xuất ngoại thật với hắn à?
Tiểu Chí mặt đẫm nước lạnh, không cam tâm, xoay người lại. Cô cãi, Kiều, không phải như cậu nghĩ đâu. Anh ấy yêu mình thật. Tình yêu của họ và của bọn mình khác nhau.
Cái gì khác? Cách hắn làm tình phải giống nhau chứ? Cậu còn tự lừa dối chính cậu sao? Cậu tưởng cậu là thiếu nữ mới lớn chắc, có thể coi tình yêu như chiếc váy viền hoa để mặc? Thời gian, sức lực và tiền bạc của cậu đã ngày càng cạn kiệt rồi. Cậu không trả nổi nữa, hiểu không?
Cứ nói cứ nói, đột nhiên thấy rất ủ rũ. Tôi đang làm cái gì thế này. Tiểu Chí quả thực là một cô gái buồn chán nhất trên đời. Chẳng lẽ tôi còn không rõ sao? Hơn nữa cũng chính vì buồn chán, chúng tôi mới đến với nhau. Còn lúc nào tôi lấy đâu ra nỗi bực bội như từ trên cao trút xuống thế nhỉ? Tôi nghĩ mình đang cáu vì hai đứa ở bên nhau. Đã hiểu nhau như thế, cũng hiểu rõ khiếm khuyết của mình và của cuộc sống mà chẳng có tí biện pháp gì cả.
Cô ấy vẫn ngủ. Rượu quậy phá trong huyết quản, tự lột chiếc váy sắp tụt, trèo lên giường tôi. Tôi nhìn cô, cơ thể cô co rúm lại như một con vật. Một con vật mù quáng không tìm nổi lời nào. Tôi đắp chăn cho cô, tắt đèn, rồi ra phòng khách phía ngoài xem phim.
Buổi chiều ánh nắng vàng rực rỡ, anh nhìn thiếu nữ dính nước ướt át. Ngần ngừ đi lại trên hành lang, trong màn đêm, cẩn thận tưởng tượng ra thân hình cô. Một cây hoa lê đè lên hải đường. Cảnh đẹp dịp may chỉ diễn ra trong tích tắc. Anh chờ đợi làn môi mềm mại của cô khẽ chạm vào má anh như đoá hoa, tự nguyện chìm vào vực sâu không hối tiếc. Để rồi cuối cùng đứng trước mặt anh là một phụ nữ bụng mang dạ chửa đang lâm vào cảnh bần hàn. Nuốt nước mắt bỏ đi trong đám bụi mù. Tất cả lạc thú chỉ là tội ác.
Lolita vuốt ve cái bụng mới nhú, dung nhan tiều tuỵ nhìn anh khẽ cười. Cô nói, Em không yêu anh, xin lỗi em thật sự không yêu anh. Mọi sự trốn tránh và cự tuyệt của cô đều nhằm chứng minh mỗi một điều, cô không yêu anh. Yêu cô là chuyện riêng của cá nhân anh, không phải của cô. Mọi thứ tình yêu đều chỉ thuộc chính mình.
Nước mắt của anh cứ nhẹ nhàng lăn xuống như thế.
Bùng nổ sau khi bị đè nén sâu sắc đòi hỏi người diễn phải có cách khống chế rất lớn. Rất nhiều diễn viên biểu cảm rất tốt, ngoại hình đẹp nhưng trong quá trình diễn, năng lượng bị giảm dần, tới gần cuối thì kiệt sức mệt mỏi mà rút lui. Nếu để Jeremy Irons diễn kịch sẽ là một tổn thất đối với tác giả. Muốn ống kính phóng to phải dần đẩy ra. Gương mặt bình tĩnh, buồn bã của anh choán hết màn ảnh. Đôi mắt xanh thẳm, nước thuỷ triều đập vào hang trống phát ra những tiếng vọng. Hai vết nhăn sâu hoắm không đo nổi, nỗi đau được giấu kín, đôi môi mỏng run rẩy, run rẩy... vẫn không thốt nổi thành lời.
Gương mặt viền đầy những tàn tích, không còn được vuốt ve. Người diễn viên có gương mặt như vậy chỉ có thể xuất hiện trước máy quay.
Hôm sau, lúc tôi thức giấc, Tiểu Chí đã dậy. Cô đang làm đồ ăn sáng, tóc búi lên, nom rất gọn gàng. Cơn say khiến sắc mặt cô trắng bệch, nhưng đôi mắt đã bắt đầu trong veo, tinh thần vui vẻ.
Cô nói, Kiều này, tối qua mình nằm mơ đang đi trên đường, hai tay trắng nhưng chân nhẹ bỗng. Có tiếng hát từ phương xa vọng tới khiến mình kinh ngạc. Mình muốn đi du lịch.
Đi đâu?
Trước tiên đi Vân Nam, Ly Giang. Nghe nói ở đó có rất nhiều người ngoại tỉnh tới định cư. Mở một quán bar nhỏ. Mỗi tối ngắm nến đỏ trên sông trôi theo dòng nước. Cô mặc quần bò và chiếc áo phông dài tay màu đen, tay phải khẽ vuốt ve tay trái. Rồi cô kéo áo lên cho tôi xem. Trên đó có mấy vết rạch sâu đã thâm màu. Cô nói, Mình muốn tự tử từ lâu rồi. Cứ tự hỏi, tóm lại mình muốn cái gì. Có lúc không biết vấn đề này là chuyện thật đáng sợ.
Một chân cô khẽ đá cái chậu rửa mặt bằng sát tráng men ở trên giường. m thanh yếu ớt vang lên trong tĩnh mịch. Cô cúi đầu cười. Tôi lười tới mức chả thiết nghĩ ngợi. Đúng vậy, đối với việc gì tôi cũng vậy cả. Chỉ nghĩ tới việc vứt toẹt cái gánh nặng vác trên vai đã lâu...
Còn nhớ ánh nắng hôm đó cứ lấp loé trên trái khuôn mặt Tiểu Chí, nom rõ từng sợi lông tơ mềm mại trên mặt cô. Khuôn mặt cô vụt như một bông hoa, bừng nở niềm ham muốn chân thành đầy phong phú, tươi mới nhưng cũng rất kìm nén. Cô thích tình yêu, thích vòng đi quành lại hàng trăm hàng nghìn lượt trong sự cọ xát giữa làn da và dục vọng, không tài nào khống chế nổi.
Tôi hỏi, Cậu có biết cậu thích loại đàn ông nào không?
Có lẽ giống Jeremy Irons, rất kín đáo, hơi bệnh hoạn khi yêu một cô gái... Cô cười. Thực ra chỉ cần anh ta tốt với tớ. Trân trọng tớ.
Chương 2
Chàng trai trong tiệm băng hình
Tôi chỉ ao ước có một người như vậy. Châm một điếu thuốc trong gió, đặt vào môi tôi.
Hàng đêm, ngắm nhìn tôi già đi...
Một lúc nào đó, chúng tôi từng ôm chầm lấy nhau, ngỡ rằng có thể quên được cái hoang vu của thế giới.
Tất cả chẳng qua chỉ là vậy. Chẳng qua chỉ là vậy mà thôi.
Tháng sáu, gặp Cận Khả. Một thanh niên Bắc Kinh. Tốt nghiệp Khoa đạo diễn Học viện Điện Ảnh, từng đạo diễn vài bộ phim nhỏ mang tính thử nghiệm. Anh muốn chuyển thể tiểu thuyết của tôi.
Tôi biết khi viết về thế giới này báo chí thường có thói quen gắn thêm định ngữ "mới mẻ, sắc bén". Nhưng tôi chưa từng xem phim của những người này làm. Tôi không thích những dạng phim như vậy. Quá chú trọng kỹ thuật, lạm dụng mô phỏng, cố gắng làm mọi thứ nổi bật để được mọi người chú ý. Không hề có bất kỳ sức mạnh nào.
Những phim tôi thích, chẳng hạn khi xem The Big Blue, giữa chừng không ngừng đi tới đi lui, làm những việc vặt. Nấu mì, pha cà phê, đi toa lét, lên mạng xem có bạn bè trên đó không. Có lúc, tựa vào ban công hút một điếu thuốc.Bộ phim đó rất dài, cũng phải tới 120 phút. Nhưng một số cảnh cứ đọng mãi trong ký ức. Không cần phải tập trung cao độ. Không cần giải thích. Chỉ cần khẽ đẩy sẽ như một miếng thuỷ tinh đâm thẳng vào mắt. Rất đau và để lại vết sẹo.
Tôi không biết Cận Khả đang làm phim gì. Chúng tôi gặp nhau trong tiệm cà phê. Khoảng mười giờ sáng.
Đó không phải là thời gian thíc
h hợp. Vì tôi thường chợp mắt lúc sáng sớm, tận trưa mới thức dậy. Hôm đó không kịp ăn gì đã phải vội vàng chạy tới tàu điện ngầm, thế mà vẫn muộn nửa tiếng. Tiệm cà phê vẫn chưa đến giờ cao điểm, vắng tanh, rất yên tĩnh. Vừa đẩy cửa bước vào đã thấy một chàng trai đầu tóc trọc lóc ngồi một góc.
Anh mặc áo phông đen, quần bò đen, giầy thể thao đen. Trên chiếc ghế bên cạnh đặt một chiếc túi da đen rất to. Tôi đi thẳng tới, nói với anh, Cận Khả phải không? Tôi là Kiều. Ánh mắt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Cũng không có gì lạ. Độc giả của tôi vẫn luôn tưởng rằng tôi là một cô gái thành phố thời thượng với áo tơ trễ ngực, môi tím và ánh mắt phiêu diêu. Nhưng lần nào tôi cũng xuất hiện với thần sắc mệt mỏi, ăn vận lộn xộn, như thể một cô nữ sinh chạy từ khu ký túc xá ra. Tôi kêu suất đúp Espresso và bánh gatô socola, rồi rút thuốc Hồng Song Hỷ ra hút.
Anh mất hai phút ngắm tôi ăn bánh trong dáng trễ nải. Rồi mất tiếp ba phút lục lọi túi xách lấy ra một cuốn tiểu thuyết của tôi đã xuất bản. Cuốn tiểu thuyết đó nghe nói đã bị in lậu rất nhiều, được bán với giá rất bèo trong trường học và trên các quầy sách vỉa hè. Anh nói, Tôi không hiểu cô lắm, nhưng được nghe rất nhiều người nói họ thường đặt cuốn sách này bên gối. Trước khi ngủ nhất định phải đọc vài trang mới yên tâm đi vào giấc ngủ.
Tôi nói, Tôi rất vui khi được nghe tin này. Tôi chưa từng thần thánh hoá văn học. Nhưng bất kỳ tác phẩm nào cũng không thể xa rời độc giả cả trong lý trí lẫn tình cảm. Coi thường độc giả chỉ khiến họ không biết phải theo ai. Tiểu thuyết hay phải như một liều thuốc tốt, ngại gì một liều morphin, có thể an ủi hoặc cứu giúp.
Thế còn điện ảnh?
Điện ảnh cũng vậy. Đầy ắp tưởng tượng, xa rời hiện thực.
Cô có vẻ theo chủ nghĩa bi quan?
Tôi chỉ là một người có thói quen đi vào chỗ bế tắc trong hư vô, cũng giống như một loại bệnh thần kinh. Tôi cười, cảm giác mình đang đùa bỡn anh ta.
Điện ảnh có thể diễn đạt nổi hư không?
Không cần diễn đạt, chỉ cần thể hiện. Hư vô tồn tại trong thời gian, trong hơi thở, trong những chiếc lá rơi trong gió, một trang giấy trắng, một giọt nước... vạn sự vạn vật.
Cô có nghiên cứu thiền giao không?
Đối với chúng tôi, thiền quá xa vời, không thể nắm bắt được. Hơn nữa trong thực tế, chúng ta chạy khắp nơi kiếm ăn và chốn nương thân. Nghiên cứu cũng chỉ là muốn cảm giác của mình được bình tĩnh hơn mà thôi.
Đột nhiên, tôi hơi thất vọng. Từ một cậu nói hoặc một tình tiết rất nhỏ, tôi luôn phán đoán ra một mùi gì đó. Có lẽ anh ta không thuộc thể loại của tôi. Ánh mắt và thần kinh của anh ta không nhạy cảm, cũng không có cảm giác sốt ruột vốn có của một người nhạy cảm. Người nhạy cảm thường cần chạy trốn. Đeo kính đen, đi du lịch xa, ru rú trong nhà... đều là cách cả. Rất nhiều người đang sử dụng. Cũng không mới mẻ gì, nhưng là nhu cầu tâm lý. Cận Khả là một đạo diễn giỏi có thể điều khiển được mọi việc, nhưng lại không phải là một nhà điện ảnh khiến người khác phải rung động. Nhà điện ảnh giỏi dù chỉ thiết kế được một vệt sáng rơi trên mặt bàn cũng cần phải có suy nghĩ và thái độ riêng của mình đối với thế giới. Anh ta có thể mô phỏng hoặc học hỏi những ưu điểm của người khác, làm ra một bộ phim thương mại thật ăn khách, nhưng sẽ không hiểu được tiểu thuyết của tôi.