*Trong cuộc sống, nơi nào có một người chiến thắng, nơi đó có một người thua cuộc. Nhưng người biết hi sinh vì người khác luôn luôn là người chiến thắng.
- Sau cái ngày lấy chồng rồi, mà Văn Mật vẫn đến tìm anh Phạm Bân à?
- Vân Mật sai tài xế đưa một mãnh giấy cho tôi... À không phải, đấy là một lá thư, ngoài phong bì thì đề tên tôi, nhưng khi mở ra xem thì mới biết đấy là thơ viết cho Phạm Bân. Tôi trao lại cho Phạm Bân. Anh ấy đọc xong, là bỏ đi ngay.
Ninh Tam lắc đầu.
- Văn Mật đúng là khinh người, chị ấy chẳng coi chị ra gì cả!
- Tôi cũng biết chuyện đó. Văn Mật đúng là kênh kiệu.
- Vậy sao chị lại còn đưa giùm thư cho chị ấy?
- Cái đó không phải vì cô ta, mà là vì Phạm Bân đấy. Anh Phạm Bân dù cư xử rất tối với tôi, nhưng anh ấy chẳng có tình yêu. Lúc nào anh Bân cũng khát khao tin tức của Văn Mật. Cô Ninh Tam nầy, cô cũng biết, có nhiều cái Văn Mật làm được mà mình không làm được.
Ninh Tam nhìn Lệ Lợi.
- Chị Lợi, nhưng mà đối xử như vậy với một người tốt với mình quá. Có phải là ngu không? Ý tôi muốn nói là mãi đến lúc chết chưa hẳn là Phạm Bân biết đến hảo ý của chị.
Lệ Lợi cải chính.
- Đừng có nói như vậy, Phạm Bân biết hết mọi thứ. Nếu mấy tháng cuối đời mà không có cô, có lẽ anh ấy còn đau khổ nhiều hơn nữa.
- Nếu anh ấy biết thì tại sao không dám nhắc đến tên Văn Mật? Có phải là vì anh ấy vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn không quên được nên không dám nhắc. Nhắc đến, sợ đau khổ chăng?
- Tôi thì không nghĩ như vậy. Chẳng hạn như cô, lúc đó chỉ mới mười bảy, mười tám tuổi. Với những người đã ra đời lâu như chúng tôi thì cô còn... Xin lỗi nhé, còn trẻ con lắm. Anh Bân vừa yêu, vừa trân trọng cô, nên không muốn nhắc đến trước mặt cô, sợ cô không vui vậy mà.
- Văn Mật thì ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, xúc phạm người khác một cách ngang nhiên. Vậy mà Phạm Bân vẫn che chở, bảo vệ. Chị Lợi, chị có biết là mặc dù đã có chồng, Văn Mật biết anh Bân yêu tôi, đã đánh tôi một tát tay không?
- Cô ấy tát tay cô ư?
Ninh Tam cười, nói.
- Tại tôi nói là anh Phạm Bân không thích qua lại với phụ nữ đã có chồng rồi.
Lệ Lợi cười theo.
- Nhưng chuyện đó đúng. Tôi biết là Phạm Bân có cái hay ở đấy. Rất chánh đạo, thà là ngậm nỗi đau trong lòng. Sau khi gặp Văn Mật lần đó, anh Bân không còn tìm gặp lần thứ hai. Tôi rất rõ tính anh ấy. Trừ khi Văn Mật ly dị chồng, bằng không anh Bân không muốn mang tiếng là phá hoại hôn nhân người khác. Lẳng lặng tưởng nhớ là đủ.
- Tiếc một điều là bản chất bà chị họ tôi không như vậy. Chị ấy rất tham lam. Muốn tóm lấy tất cả là của mình.
Lệ Lợi thở dài.
- Cô Ninh nầy. Phạm Bân rất có phúc khi gặp cô. Đúng ra anh ấy phải sớm quên Văn Mật.
Ninh Tam nói với một chút khâm phục.
- Tôi thì không nghĩ như vậy. Chị mới là người bạn tốt của anh ấy. Chị đã sống cho anh ấy nhiều hơn là cho bản thân.
Mà rõ là đáng yêu biết chừng nào. Một người đàn bà ít học, lại có một ý thức quên mình vì người mình yêu. Hơn hẳn Văn Mật. Có trình độ cao đẳng lại quá ích kỷ.
Lệ Lợi hồi tưởng.
- Đó là phúc đức của tôi. Tôi chẳng có gì hơn người khác mà vẫn được Phạm Bân coi như là bạn. Tôi cùng Phạm Bân ở trong thế giới điện ảnh đã lâu năm. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Nhưng nếu không có cái duyên, thì đã không là bạn. Tiếc một điều là tôi vẫn không mang lại được niềm vui cho anh ấy.
Ninh Tam nói.
- Vâng, có lẽ niềm vui là hạnh phúc, là cái gì đáng trân trọng nhất. Nhưng hạnh phúc là gì? Người chúng ta yêu nhất chưa hẳn là người đã mang lại cho ta được niềm vui. Chẳng hạn như Văn Mật. Chị ấy đã mang đến cho Phạm Bân nhiều khổ đau hơn là vui. Vậy mà anh Bân cũng nào có rứt ra được? Tôi cũng vậy. Tôi biết là mình cũng đã mang lại cho Phạm Bân nhiều ray rức hơn là niềm vui. Kết quả chẳng ra gì cả.
- Tại sao lúc Phạm Bân còn sống, cô cứ để anh hoài tưởng về Văn Mật?
- Tôi nghĩ hoài tưởng là nỗi đau, nhưng cũng là hạnh phúc của anh ấy. Bân cho là còn nghĩ đến Văn Mật là còn chiếm hữu cô ấy. Mà đâu phải chỉ một mình Phạm Bân, ngay cả chúng ta cũng vậy. Thà ôm một chiếc bóng còn hơn là chẳng có gì để ôm?
Lệ Lợi thở dài.
- Tôi thì nghĩ là Phạm Bân chưa đủ thời gian để quên, nếu anh ấy mà sống lâu một chút. Có lẽ cô sẽ chiếm hữu tất cả.
Ninh Tam thú nhận.
- Cũng có thể! Tiếc một điều là, con người khi biết mình không còn sống được bao lâu thì hay quay trở về ký ức nhiều hơn là nghĩ đến bóng đen tương lai. Thật ra, tôi cũng không hề ân hận về những ngày bên Phạm Bân. Tôi không tiếc. Tôi cảm thấy những ngày ngắn ngủi đó vô cùng thật quý giá đối với tôi. Không một ai khác mang lại cho tôi cái ấn tượng hạnh phúc sâu sắc như Phạm Bân.
- Cô Ninh nầy, năm nay cô chỉ mới hai mươi ba tuổi cơ mà?
- Chị Lợi, chị có biết tôi là người ngoan cố lắm không? Tình yêu thứ hai chưa hẳn bằng được tình yêu đầu đời. Tôi sợ tình yêu!
o0o
Ninh Tam nhớ lại hôm lễ cưới của Văn Mật.
Văn Mật đã có tất cả. Người tưởng nhớ, người chồng lý tưởng đám đông ái mộ, trầm trồ, ao ước... Vậy mà Ninh Tam lại cảm thấy Văn Mật mất đi nhiều hơn là được.
Hôm ấy, chiếc du thuyền lộng lẫy của Thạch Kiến Quốc tặng vợ làm quà cưới lần đầu tiên ra khơi. Chiếc thuyền được đặt tên "Felica". Cái tên tây của Văn Mật. Chiếc thuyền được đóng tận bên Ý với giá hơn năm triệu đồng. Dài năm mươi tám mét, trang bị hiện đại. Ngoài vợ chồng Thạch Kiến Quốc ra còn có anh em nhà họ Ninh và các bạn bè thân thuộc khác. Du thuyền ra khơị Văn Mật âu yếm nằm trong lòng chồng. Nhưng Thạch Kiến Quốc không có cái cử chỉ trử tình như Phạm Bân. Không biết vuốt tóc, không biết hôn lên tóc như Bân. Hai người ngồi với nhau giống như là hai vợ chồng lâu năm, hơn là cặp tình nhân yêu nhau.
Tàu tiến dần đến vịnh Trảm Trúc, neo lại. Khách khứa tùy nghi hoặt động, người bơi lội, trượt nước, chơi canô... Vợ chồng Văn Mật tiếp đãi rất chu đáo. Trà, nước, rượu và thức ăn nhẹ được mang chất đầy lên boong. Khách tha hồ chơi, tha hồ nhìn. Đàn ông thì lén nhìn cô dâu lộng lẫy, quý bà thì ngắm nhìn chú rể đẹp trai, hoặc ông anh Ninh Quốc Khởi chưa vợ. Ninh Tam cũng được mấy cậu choai choai bu quanh, nhưng lại không thấy thích thú, nên Ninh Tam đã nhẩy xuống biển bơi mấy vòng. Đám cưới mà Ninh Tam lại thấy buồn buồn sao đấy.
Bơi một lúc, Ninh Tam chợt phát hiện chiếc du thuyền quen thuộc ngắn hơn, cũ hơn nằm gần đấy. Đó là thuyền của Phạm Bân. Trên tàu tối đen, hình như chẳng có người.
Không dằn được, Ninh Tam bơi qua, trèo lên. Chẳng lẽ... Ninh Tam đưa mắt nhìn quanh. Thật khó khăn, Ninh Tam Tam mới phát hiện ra, trong bóng tối, Phạm Bân đang nằm dài trên ghế tựa ở góc boong. Hai tay gối đầu, mắt hướng về phía chiếc du thuyền mới. Ninh Tam nhè nhẹ đến gần, không muốn làm kinh động Bân. Nhưng Bân đã thấy, quay lại. Phạm Bân tiều tụy thấy rõ. Hố mắt sâu đầy nỗi buồn.
- Cô đấy à?
- Vâng.
Hai người chỉ nói nhau như vậy. Phạm Bân nhìn Ninh Tam. Hình như muốn nói nhiều thứ hơn nhưng lại thôi. Phạm Bân đứng dậy bước xuống khoang thuyền, mang hộp nước ngọt lên cho Ninh Tam.
Ninh Tam nói.
- Thuyền chúng tôi cũng neo ở gần đây. Trông thấy thuyền anh nên tôi lội sang.
Phạm Bân ngắm nghía Ninh Tam, rồi nói.
- Cô cần phải để tóc dài một chút đẹp hơn.
Ninh Tam gật đầu.
- Ờ!
- Bao giờ mới sang Mỹ nhập học?
- Còn hai tuần lễ nữa.
- Mùa hè vừa qua thế nào? Vui không?
Ninh Tam lắc đầu rồi gật đầu. Phạm Bân cười, vuốt nhẹ mái tóc Ninh Tam.
- Đúng ra cô phải vui mới phải.
Ninh Tam thu hết can đảm hỏi.
- Thế còn anh?
Phạm Bân cười lớn. Chàng đưa tay lên chỉ vào mình.
- Có bạn bè trèo lên thuyền thăm hỏi thì đương nhiên là phải vui chứ?
Ninh Tam nhìn vào trong.
- Còn thủy thủ trên thuyền đâu?
- Nhiều khi tôi thích đi biển một mình. Cô đừng xem thường nhé. Tôi cũng có bằng lái tàu đấy.
Rồi Phạm Bân đưa mắt nhìn ra xa.
- Tàu của các cô đâu?
Ninh Tam chỉ về phía chiếc tàu có dòng chữ bằng đèn "Felicia".
Phạm Bân hỏi.
- Chiếc tàu mới toanh đấy à?
Ninh Tam gật đầu.
- Anh rể mới tôi tặng chị Văn Mật đấy.
Phạm Bân cười, nói.
- À! Đẹp và sang thật!
Bấy giờ không biết lý do gì, chiếc Felicia chợt quay đầu lại tiến dần về phía nầy. Trên tàu, cặp tân nh
ân đứng sát nhau trên boong. Mái tóc dài của cô dâu lộng trong gió. Hình như Văn Mật đã trông thấy Phạm Bân. Ánh mắt của Văn Mật hướng về phía nầy. Nhưng Văn Mật vẫn đứng yên, không khoát tay. Phạm Bân cười buồn quay qua Ninh Tam, ra dấu cho Ninh Tam đi xuống khoang thuyền.
Đến nơi, Phạm Bân rót đầy ly rượu, nốc cạn. Ninh Tam lo lắng.
- Anh Bân, anh chẳng làm sao chứ?
Phạm Bân nhìn lon nước ngọt trong tay Ninh Tam, nói.
- Có gì quan trọng đâu? Nếu cô mà trưởng thành một chút, thì tôi cũng sẽ rót mời cô một ly rượu.
Ninh Tam nói.
- Tôi đã từng uống rượu. Bây giờ tôi vẫn có thể uống với anh cơ mà?
Phạm Bân nghiêm giọng.
- Không được, tôi không cho phép cô uống.
Rồi rót thêm cho mình một ly.
Ninh Tam can ngăn.
- Anh ở trên tàu có một mình, không nên uống nhiều quá. Anh uống say rồi rơi xuống biển đâu có ai hay?
Phạm Bân nói.
- Đừng lo chuyện đó. Tửu lượng của tôi cao lắm. Nào lại đây, để chứng tỏ là tôi chưa say, tôi đố cô cái nầy nhé?
- Được cứ đố. Nhưng nếu tôi mà không giải thích được thì cũng đừng chê tôi ngu nhé?
Phạm Bân nói.
- Nghe kỷ đây. Tôi bắt đầu đố. Có ba chú sâu sắp thành hàng dài. Trừ con đầu. Con nầy nối đuôi con kia cùng đi dạo trong công viên. Con thứ nhất nói: "Phía sau tôi có hai con sâu, đúng không?" Con đi giữa nói: "Phía trước tôi có một con sâu". Cũng đúng chứ? Còn con sâu đi sau cùng lại nói: "Phía trước tôi chẳng có con sâu nào, phía sau tôi cũng vậỵ" Tại sao con sâu nầy lại nói như vậy?
Ninh Tam đáp ngay.
- Bởi vì nó mù!
- Thật, ba con sâu đều sáng mắt!
Ninh Tam lại nói.
- Vậy thì nó đã đổi hướng, nên phía trước chẳng còn con sâu nào!
- Không đúng, ban nãy tôi đã nói là ba con sâu nầy nối đầu với đuôi con kia, thành hàng dọc cơ mà?
Ninh Tam suy nghĩ thật lung, vẫn không làm sao giải đáp được.
- Thôi, tôi không biết, chịu thua. Anh giải thích đi!
Phạm Bân vừa nốc rượu vừa nói.
- Ha! Ha! Có vậy mà cũng không biết! Rất đơn giản thôi! Cái con sâu cuối cùng nó thích nói dối!
Ninh Tam trề môi, không chịu.
- Rõ ràng là anh bịa chuyện, anh muốn phá tôi, chứ cách giải thích của anh không hợp lý!
Phạm Bân hỏi.
- Chứ không phải tại mình ngu ư?
Ninh Tam cãi lại.
- Không! Phải nói là vì tôi quá thực thà, vì vậy mới không ngờ là con sâu đó biết nói dối!