"Tặng cho anh, những lời chúc lành. Anh đếm thử xem có bao nhiêu lời nào?"
Mỗi chữ E có năm gạch, vậy thì..."
Thế là Phạm Bân đã gởi lại cho Ninh Tam một thiệp giáng sinh khác với dòng chữ sau:
"Tôi đã đếm rồi, tổng cộng có ba trăm bảy mươi lời chúc. Nếu mỗi ngày tôi dùng một lời thì cả năm cũng dùng không hết. Nhưng mà biết đâu, hôm nào xui xẻo quá phải dùng cả một lúc ba trăm bảy mươi cái kia thì sao? Chắc có lẽ phải kêu cô gởi thêm cho quá..."
Ninh Tam đọc xong thích thú, thế là lại vẽ thêm một lô chữ E gởi về cho Phạm Bân, còn viết thêm kiểu chào hàng:
"Hàng tồn còn nhiều lắm, bao giờ gặp chuyện không vui cứ kêu lên "Cứu tôi! Cứu tôi!" là sẽ có tiếp ứng ngay!"
Những thứ đó chỉ là chuyện đùa. Nhưng Phạm Bân là người hay đùa. Vì vậy cứ mỗi lần gặp chuyện bực mình là Bân cứ viết hai chữ "Cứu tôi! Cứu tôi!" gởi qua. Như vậy Ninh Tam lại viết thêm một lô chữ E gởi về. Chỉ có vậy mà tiếp tục đến mấy lần. Nhưng lần nào thì cũng có kèm theo một vài câu báo cáo tình hình học tập hoặc công việc. Chẳng hạn như sau của Phạm Bận:
"Hôm nay trong người không khỏe, bệnh dạ dày lại hành hạ. Nổi nóng la hét ở phim trường. Hãy cứu tôi!"
"Tối qua nỗi hứng, uống say khướt, sáng thức dậy đầu nhức như búa bổ. Còn phải đóng phim nữa. Hãy cứu tôi!"
"Chắc cuốn phim nầy ế quá! Vai tôi đóng là vai anh hùng. Khán giả không cho rớt đài tôi cũng rớt! Hãy cứu tôi!"
"Không ngờ phim lại đạt kỷ lục về doanh thu. Thế nầy thì tôi phải bị đóng vai anh hùng nữa. Mười tám lần làm anh hùng rồi, chán ngấy. Hãy cứu tôi!"
"À! Bây giờ được đổi vai làm người tình chung thủy rồi, nhưng lại phải đóng chung với cô đào mà mình ghét nhất. Lại còn phải tỏ tình với cô ta nữa chứ? Hãy cứu tôi!"
"Lùng bùng thật! Hôm nay được nghĩ ngơi mà không biết, lại chẳng có bạn nào đến tìm. Chợt nghĩ đến cô bé nghịch ngợm Ninh Tam. Tiếc là... Mọi thứ chỉ có giới hạn! Tam chỉ có thể viết chữ E gởi cho mình..."
Bấy giờ là lúc gần lễ Phục Sinh. Các trường đại học đều có ba ngày nghĩ. Ninh Tam chợt nghĩ ra một ý, vội gởi về mấy dòng.
"Anh Phạm Bân,
Em sẽ "đột kích" đến Hương Cảng trong các ngày lễ Phục Sinh. Vì đột kích nên chẳng thông báo cho gia đình biết, để họ bất ngờ chơi. Vì vậy nhờ anh. Anh có thể ra sân bay đón không? Tôi thì không thích cái màn rồng rắn chờ taxi. Anh nhớ đấy! Được không báo cho biết ngay!"
- Ninh Tam
Ninh Tam đã ghi luôn số điện thoại ký túc xá mình ở bên dưới. Quả nhiên, Phạm Bân đã dây nói ngay.
- Nầy cô bé nghịch ngợm, định giở trò gì nữa vậy?
- Mà anh có đón không nào?
- Đương nhiên là phải đón! Cô đã gởi cho tôi hơn một ngàn hai mươi cái lời chúc lành. Tôi không đón cô, thì còn tình nghĩa bạn bè gì nữa. Đúng không?
- Đúng!
Ngồi trên máy bay hơn mười mấy tiếng đồng hồ từ Mỹ về HongKong, vậy mà Ninh Tam chẳng thấy mỏi. Những đám mây trắng bềnh bồng bên ngoài cửa sổ trông thật đáng yêu. Nó giống như những gói kẹo bông gòn lơ lững trên bầu trời xanh. Ninh Tam nghiêng nghiêng đầu nhìn ra khung cửa kính. Cũng có cái cảm giác say sưa, bềnh bồng. Rồi máy bay cũng đáp xuống. Ninh Tam mừng rỡ, nàng cố chen chân và là người trước tiên bước vào phòng hải quan. Mọi thủ tục đều giản dị. Bởi vì để tránh sự khám xét phiền phức, lần nầy trở về Ninh Tam chỉ mang theo mình một chiếc xách tay nhỏ đựng quần áo. Nhân viên hải quan thấy Ninh Tam là sinh viên, nên chỉ ngó sơ một chút rồi cho qua.
Vừa bước ra nhà kính. Ninh Tam đã tự hỏi.
- Liệu Phạm Bân có đến rước ta không?
Đến phòng khách phi trường. Giữa tiếng nhạc thánh vang. Ninh Tam đã trông thấy Phạm Bân đang đứng khoác tay chào nàng. Phạm Bân thân mật đỡ lấy xách tay của Ninh Tam. Vòng tay qua vai nàng trước ánh mắt trầm trồ của bao nhiêu khách đón.
Phạm Bân vừa lái xe vừa quay qua nói với Ninh Tam.
- Tôi thiệt không ngờ cô lại tươi rói như vậy. Nầy cô bé xa lạ, bây giờ mình đã là bạn thân rồi nhé?
Ninh Tam hơi thất vọng.
- Vậy ra tôi chỉ là con bé lạ thôi à? Vậy mà từ nào tới giờ tôi không xem anh như thế!
- Lúc đầu tôi tưởng là như vậy. Nhưng khi gặp lại Ninh Tam rồi, thì lại không ngờ mình lại thân thiết hơn cả bạn thân.
Phạm Bân vui vẻ nói, rồi lại lắc đầu.
- Phải nói là cái duyên, thật là kỳ cục! Tôi rất vui sướng được gặp lại Ninh Tam.
Ninh Tam gật gù.
- Nhưng ngay từ cái hôm đầu tiên, tôi đã xem anh là bạn. À mà anh có bực khi phải đi đón tôi thế nầy không?
Phạm Bân nói.
- Tôi rất ít khi đi đón ai. Mà cũng đâu có bạn bè đâu để đón. À... mà bây giờ cô định đi đâu nào? Về nhà không tôi đưa về? Có lẽ cô đã mệt?
Đồng hồ của Ninh Tam vẫn còn chỉ giờ theo nước Mỹ, nên Ninh Tam hỏi.
- Bây giờ đã là mấy giờ?
- Mười một giờ bốn mươi lăm phút tối.
Ninh Tam nói.
- Vậy là khuya quá rồi. Sáng nay không có báo trước ở nhà, thôi chẳng về nhà đâu.
Thật ra thì chủ đích về Hồng Kông lần nầy là Ninh Tam muốn gặp Phạm Bân, chứ không phải là vì nhớ nhà. Gặp Phạm Bân, mọi thứ đã mãn nguyện, nên dù có mệt mỏi, Ninh Tam vẫn không muốn về nhà.
- Vậy thôi, tôi sẽ đi dạo suốt đêm nay với Ninh Tam, đến lúc trời sáng sẽ đưa Ninh Tam về nhà, được chưa? Nào ta đi ăn cái gì đi?
Sợ bạn bè trông thấy, Ninh Tam nói.
- Tôi chưa đói. Mình đi dạo không được rồi, nhưng mà anh có mệt không?
Phạm Bân đáp.
- Tôi à? Không, vì với tôi nào có phân biệt ban ngày hay ban đêm?
Ninh Tam yên lặng, không phải vì không có chuyện để nói, mà là vì không biết phải bắt đầu chỗ nào. Phạm Bân thì uyên thuyên. Ninh Tam kể chuyện sống và học ở đại học. Phạm Bân thở dài.
- Tôi chỉ đi học được có mấy năm ở tiểu học. Nói ra chỉ càng thêm xấu hổ.
- Vậy mà tôi thấy thì tiếng Hoa của anh rất hay mà tiếng Anh, anh nói cũng được.
Phạm Bân kể.
- Đó cũng là nhờ lúc còn nhỏ tôi hay đọc sách. Lúc làm bốc vác ở phim trường, khi khuân vác phong cảnh hoặc lúc quét dọn, tôi thường tự nhủ với mình: "Phạm Bân nầy. Cuộc đời mi không thể mãi thế nầy", nên tôi học. Còn nữa, riêng cái tiếng Anh thì thú thật, nói được chứ chưa viết được bao nhiêu. Vì vậy tôi rất thèm thuồng nếp sống của bạn, có cha mẹ lo cho đầy đủ.
- Nhưng bây giờ cuộc sống của anh cũng quá đầy đủ. Chưa hẳn những người có ăn có học mà được như anh. Anh biết không, bạn tôi nầy, đậu trung học rồi mà viết một lá thư, văn cũng bất thành cú.
Rồi Ninh Tam hỏi.
- Lúc còn nhỏ, anh chẳng đóng phim à?
- Đóng phim?
- Vâng, nhìn dáng dấp anh bây giờ tôi nghĩ, lúc nhỏ hẳn anh cũng đẹp lắm. Mủm mỉm, tròn trịa, nhìn vào là thích liền.
Phạm Bân nói vói nụ cười mai mỉa.
- Vậy à? Thấy là yêu ngay, ôm chầm lấy ngay và nói: "Cậu em, cậu đẹp quá!" Rồi dành giựt để được vuốt ve dẫn đi ăn tiệc? Đúng chưa?
Ninh Tam nhìn ra.
- Anh Phạm Bân, điều tôi vừa nói làm anh buồn à?
- Không. Chỉ tại vì những người có cuộc sống đầy đủ như cô, khi nói đến chuyện tuổi thơ là thường hay nghĩ đến những câu chuyện đẹp, chứ còn chúng tôi thì... Thực tế hoàn toàn khác. Lúc nhỏ tôi chỉ là một thằng bé nhỏ cao vừa gầy yếu vừa đen búa, trông thấy thường tạo cảm giác bực mình hơn là ưa chuộng. Cô biết không, người lớn họ thường hay quát tháo mà tôi cũng đã quen. Tôi chỉ bực mình một điều, đấy là người lớn họ làm sai, rồi lại trút trách nhiệm lên đầu con nít. Nói cãi làm sao lại chứ? Mà cãi c
ó ai tin? Mãi đến bây giờ, tôi cũng chịu, không biết tại sao người lớn lại vô trách nhiệm như vậy. Một đứa bé mồ côi, không cha không mẹ như tôi, đương nhiên là chẳng được ai bênh vực. Nhưng đó nào phải là cái tôi muốn? Tôi phải nhận hết mọi thứ bất công như vậy?
- Chẳng ai thân thuộc, anh hẳn là cô đơn lắm?
- Nghĩ cũng chẳng ích lợi gì. Cuộc đời giống như là cây cỏ dại. Tự nhiên mọc rồi tự nhiên tàn. Nhiều lúc thấy những đứa con nhà giàu làm nũng tôi đã thèm thuồng mơ ước, nhưng cũng ganh tị: "Cái bọn con nhà giàu đó, hay ho gì"
Nói đến đây, Phạm Bân chợt cười lớn.
- Mà cô thấy không, trời sinh trời dưỡng, tôi nào có được uống calcium hay dầu cá gì, mà bây giờ tướng tá cũng cao lớn đẹp trai vậy?
- Anh phát tướng từ lúc nào vậy?
- Trễ lắm, đến năm mười sáu mười bảy tuổi. Mà lúc đó lại cao nhanh thật!
Rồi Phạm Bân quay qua nhìn Ninh Tam.
- À! Cô lúc nầy cũng có vẻ cao hơn trước đấy!
- Tôi biết, nhưng chưa có đo.
Phạm Bân cho xe dừng lại bên vệ đường ngắm nghía thêm Ninh Tam một lúc. Như phát hiện ra Ninh Tam không còn là đứa con nít nữa. Mà đấy là thiếu nữ. Một thiếu nữ có đôi mắt trong như hồ thu, có nụ cười tươi tắn đẹp thật phong cách. Vậy mà từ nào đến giờ Phạm Bân cứ xem như một cô bạn nhỏ. Mới cách nhau có tám tháng, cô bạn nhỏ lại biến thành công chúa trưởng thành. Nhanh thật!
Phạm Bân hỏi.
- Trong trường, Ninh Tam đẹp nhất phải không?
- Chuyện đó làm sao tôi biết được?
- Nhưng Ninh Tam hẳn biết là Ninh Tam đẹp?
Ninh Tam nói.
- Có, một chút. Nhưng trước mặt anh thì cảm giác đó lại mất tiêu.
- Không lẽ đàn bà phải đợi người khác khen mới tin là mình đẹp?
Ninh Tam lần đầu tiên được Phạm Bân xếp vào hạng "Đàn bà" chứ không phải là "con nít" nữa nên rất "khoái chí". Đáp nhanh.
- Vâng!
- Vậy thì, nếu cô muốn, hãy nghe nầy, Ninh Tam. Tôi thật sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cô. Tôi thật bất ngờ trước cái trưởng thành nhanh chóng đó!
Ninh Tam trề môi.
- Nhưng những điều trước kia tôi nói với anh cũng đâu phải là trẻ con?
- Tôi rất cảm ơn một ngàn lẽ hai mươi lời chúc lành của cô!
- Anh có biết là mỗi lần anh viết thư đều khuyến khích tôi chăm học và tôi đã làm theo điều anh khuyên?
- Còn những lời chúc lành của Ninh Tam là những khích lệ lớn làm cho tôi quên lãng đi bất mãn trong cuộc đời.
- Nếu được như vậy thì tôi vui biết chừng nào, thích biết chừng nào!
Ninh Tam nói, rạng rở ra mặt. Nhìn nét mặt rạng rở đó Phạm Bân như hiểu ra.
- Lần nầy cô về đây là...
Mắt Ninh Tam long lanh.
- Nếu anh mà còn không biết, thì tôi chẳng còn gì để nói nữa.
Phạm Bân cảm động, nâng bàn tay của Ninh Tam lên hôn nhẹ. Hành động của Phạm Bân làm Ninh Tam xúc động. Ninh Tam muốn ngã ngay vào lòng Phạm Bân, nhưng lại không dám.
Đột nhiên nỗi buồn thoáng hiện lên mặt Phạm Bân, chàng buông Ninh Tam ra, mở máy. Phạm Bân nói.
- Thôi để tôi đưa Ninh Tam về nhà nhé?
Ninh Tam lắc đầu.
- Không, tôi không về nhà đâu!
Phạm Bân yên lặng, xe chạy một đoạn đường. Ninh Tam nói như giải thích.
- Anh Bân, anh biết không, giờ nầy khuya quá rồi tôi không muốn phá giấc ngủ của ai cả.
Phạm Bân yên lặng lái xe, như đang nghĩ ngơi điều gì khác và chẳng nghe những gì Ninh Tam vừa nói. Điều nầy khiến Ninh Tam bất mãn.